Những ngày cuối thu về thăm vùng chè nổi tiếng Cầu Đất, nơi mà những búp chè nức tiếng một thời đang có những bước chuyển đổi để hòa nhịp phát triển. Bằng việc tạo ra những “giá trị cộng thêm”, cây chè nơi đây vẫn được giữ gìn và phát triển trong đời sống cư dân Cầu Đất.

Đồi chè Cầu Đất. Ảnh: NGUYỄN TẤT THẮNG
Đồi chè Cầu Đất. Ảnh: NGUYỄN TẤT THẮNG

Ký ức vùng chè cổ

Tìm về nhà cụ Trương Văn Út (thôn Trường Thọ, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) có 4 đời làm công nhân ở nhà máy chè Cầu Đất, tôi được nghe ông kể: Những gốc chè đầu tiên hiện hữu trên vùng đất này được ông chủ người Pháp có tên là Monsieur Lortholary cho gieo trồng vào những năm đầu thế kỷ XX. Và ngay từ khi phát hiện ra vùng đất lý tưởng Cầu Đất, người Pháp đã mong muốn biến nơi đây thành một đồn điền chuyên trồng, sản xuất chè đen (hay còn gọi là chè hồng) để đưa về Pháp tiêu thụ.

Khu vực Cầu Đất với độ cao khoảng 1.650 m so với mặt nước biển quanh năm mát mẻ với sự chênh lệnh nền nhiệt giữa ngày và đêm khá cao (nhiệt độ ban ngày từ 20-24 độ C, ban đêm là 16-19 độ C) đã tạo nên vùng chè có chất lượng thuộc diện hàng đầu Việt Nam. Sương mù là đặc sản của Đà Lạt và trà Cầu Đất ngon nổi tiếng cũng bởi những “ấp iu” của sương nắng ở vùng đất lạnh quanh năm này kết tụ vào từng búp chè – tinh hoa từ đất trời và những người làm ra nó.

Cụ Út bồi hồi: “Vào lúc thành lập nhà máy (1927) khi ấy là Sở Trà Cầu Đất, số lượng phu chè đã lên đến con số gần 1.000 người. Công việc của họ hằng ngày bắt đầu từ rất sớm khi tiếng kẻng của cai chè dồn dập vang lên và kết thúc khi trời tối mịt. Cụ Út theo cha mẹ đi làm sở trà khi còn là một đứa trẻ. Hôm nào đi làm thì mới có cơm ăn, còn nếu nghỉ việc đột xuất chưa xin phép sẽ bị thông báo cho chủ các cửa hàng thực phẩm (do người Pháp quản lý) không bán hàng cho gia đình người đó vào ngày hôm ấy. Đời sống của phu chè bấy giờ cơ cực lắm”.

Sau năm 1960, những ông chủ giàu có người Hoa đã mua lại Sở Trà Cầu Đất tiếp tục duy trì sản xuất, nhưng công việc làm ăn liên tiếp gặp nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra chủ yếu nhập sang Trung Quốc, rồi chè không bán được khiến những ông chủ này “bỏ của chạy lấy người”. Cho đến sau 1975, cả nghìn công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp, người làm chè khốn đốn tỏa đi các nơi tìm kiếm việc làm, kiếm sống.

Những đồi chè cổ ngày nào giờ chỉ còn lại khoảng 7 ha thuộc quyền quản lý, khai thác của Công ty cổ phần Chè Cầu Đất. “Những gốc chè cổ ấy chính là nhân chứng cho cả nghìn phu chè gan dạ một thời đấu tranh đòi quyền lợi. Nhiều người phải đổ máu và mạng sống trên những đồi chè đó đấy!” – cụ Trương Văn Út nói với chúng tôi.

Đổi thay và bảo tồn

Riêng về du lịch canh nông, xưa nay đồi chè Cầu Đất đã là điểm đến thú vị của nhiều du khách trong cẩm năng trong du lịch Đà Lạt. Với việc mở rộng mô hình du lịch này, hiện tại mỗi ngày công ty đón trên 200 lượt khách đến tham quan.

Đồn điền trà trải qua gần một thế kỷ, cùng với bao thăng trầm của thời gian và lịch sử vẫn được kế thừa và phát triển cho đến tận ngày nay. Những búp trà từ vùng đồi trà Cầu Đất ngày càng khẳng định vị thế của mình: nhắc đến trà ngon Việt Nam không thể thiếu trà Cầu Đất – Lâm Đồng. Trong cả ký ức của những người đi trước cho tới bây giờ, khi nói về chè Cầu Đất là lập tức liên tưởng đến thứ chè đặc sắc, dùng để biếu tặng những người thân hay khách quý.

Bên trong nhà máy chè Cầu Đất giờ đây vẫn còn lưu giữ toàn bộ máy móc từ ngày sơ khởi của người Pháp. Được vận hành từ năm 1927 đến nay, tức đã 90 năm tuổi nhưng chưa bao giờ ngưng nghỉ. Những chiếc máy cổ ấy vẫn tiếp tục mang trong mình sứ mệnh lịch sử của nó nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất bên cạnh các máy móc hiện đại, tất cả các máy đều trong trạng thái hoạt động tốt.

Thậm chí, đơn vị chủ quản đã lập nên “bảo tàng sống” cho những chiếc máy đã được Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận, đó là 6 máy vò chè cùng 1 máy sàng chè ly hợp được sản xuất và đưa vào sử dụng từ khi người Pháp thành lập Sở Trà Cầu Đất. Các máy vò chè này mang nhãn hiệu Marshalls, công ty sản xuất ra nó trụ sở tại Pháp cũng đã ngừng hoạt động vào năm 1975.

Ông Nguyễn Đức Máy – nhân viên của Công ty cổ phần Chè Cầu Đất cho biết: Những gốc chè cổ nơi đây đã có tuổi hơn 100 năm tuổi nhưng quanh năm vẫn cho thu hoạch chè búp đều đặn dù năng suất không được cao. Đơn vị sở hữu quyết định duy trì nguyên diện tích chè cổ thụ để làm chứng nhân lịch sử của ngành chè số 1 vùng Tây Nguyên. Giữ lại những đồi chè cổ nhưng công ty vẫn phát triển không ngừng diện tích chè giống mới, đến nay đã gần 300 ha cho năng suất cao và chất lượng không kém so với chè cổ.

Bên cạnh máy móc thì các khu sản xuất của người Pháp xây dựng bằng gỗ, từ khu vực phơi chè tự nhiên cho đến khu sấy chè, máy vò chè… đều được giữ nguyên như cũ bên cạnh khu sản xuất hiện đại đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Vì vậy, gọi là nhà máy chè cổ nhưng ngoài lưu giữ các giá trị lịch sử thì nơi đây cũng đã được hiện đại hóa với hệ thống sản xuất hiện đại với công nghệ sản xuất, chế biến theo quy trình chuẩn quốc tế và tạo việc làm cho trên 500 công nhân.

Những máy cổ được vận hành từ năm 1972. Ảnh: Văn Báu
Những máy cổ được vận hành từ năm 1972. Ảnh: Văn Báu

Tạo giá trị “cộng thêm”

Cái tên “Cầu Đất Farm” đã không còn xa lạ với những người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh yêu thích rau sạch Đà Lạt, ở địa chỉ 313 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, Quận 7. Cửa hàng chuyên cung cấp tất cả các nông sản sạch từ Nông trại Cầu Đất đây cũng là nơi mà các sản phẩm chè Cầu Đất được bày bán.

Cầu Đất Farm là mô hình nông trại nằm trong chuỗi kinh doanh mở rộng của Công ty cổ phần Chè Cầu Đất có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng hệ thống thông minh và ứng dụng giải pháp IoT của Intel. Hệ thống này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, quả và các loại nông sản trên một quy mô lớn. Với 7 ha rau công nghệ cao được trồng theo phương pháp thuỷ canh, dâu tây trên giá thể, cà chua đen, dưa lưới Nhật… được kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống công nghệ thông minh, tự động về ánh sáng, độ ẩm, chế độ dinh dưỡng cho cây… nên cho ra sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Mỗi tháng thu hoạch từ 15-20 tấn nông sản sạch trên 1 ha, đạt doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm.

Ông Đinh Anh Huân – thành viên sáng lập Cầu Đất Farm và cũng là cổ đông lớn của Công ty cổ phần Chè Cầu Đất cho biết: Mới thực hiện được 2 năm nên chưa nói được gì nhiều, tuy nhiên, hướng đi chiến lược của công ty chính là biến nơi đây thành “trung tâm du lịch canh nông” có nghĩa khách đến đây, ngoài tham quan vườn chè, còn được tham quan bảo tàng nhà máy chè cổ và nông trại hội tụ tất cả các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, thưởng thức rau sạch, chè ngon. Cũng chính từ những yếu tố này, xem như đó là những “giá trị cộng thêm” để “nuôi” vùng chè lúc khó khăn, duy trì hoạt động, phát triển thương hiệu chè Cầu Đất. Hiện tại, Cầu Đất Farm cũng đã mở một cửa hàng rau sạch ngay tại chợ Cầu Đất để những người dân xứ chè được ăn rau sạch, chất lượng cao đồng thời cũng là cách kêu gọi nông dân Cầu Đất quan tâm đến phát triển nông sản sạch.

Cùng với thăng trầm của thời gian, cây chè vẫn như người bạn “tri kỷ” của người dân nơi đây. Sự hiển diện của cây chè trong cuộc sống của họ được xem như lời khẳng định sức sống lâu dài, đặt ra hướng phát triển mới phần nào thấy được “tình” cây và đất trên vùng đất này.

Theo số liệu từ phòng Kinh doanh, công ty cổ phần Chè Cầu Đất cho biết: Với 300 ha chè chất lượng cao đã tạo nên vùng nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho sản xuất chè đen OTD nổi tiếng, chè Oolong cao cấp và chè xanh đặc sản cung cấp cho thị trường xuất khẩu và nội địa 350 – 400 tấn/năm, doanh thu trên 20 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty là các nước Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu thì chiến lược kinh doanh tiếp theo của công ty này là thị trường trong nước. Với hệ thống chuỗi showroom Cầu Đất Farm, chè Cầu Đất cũng cạnh tranh hơn về chất lượng và mẫu mã phong phú.

Diễm Thương (Báo Lâm Đồng, 07/10/2016)