Vụ việc chỉ được phát hiện sau tin nhắn “lạ” được cho là của cán bộ của Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), ngay sau đó, khách hàng kiểm tra tài khoản mới biết 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã “bốc hơi”…
Ngày 24/9, bà Ngô Phương Anh (57 tuổi, ngụ TP Đà Lạt), chính thức xác nhận đã gửi đơn tố cáo cán bộ BIDV chi nhánh D2 Giảng Võ, Tây Hồ (TP Hà Nội), lừa đảo, chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà tại ngân hàng này.
Theo bà Anh, số tiền trong sổ tiết kiệm tại BIDV bị chiếm đoạt trên có nguồn gốc từ việc gia đình bán tài sản (gồm căn nhà và quyền sử dụng đất, tại địa chỉ 261 Phan Đình Phùng, P2, TP Đà Lạt). Đây là căn nhà thừa kế do bố mẹ để lại cho các con, được xây dựng từ năm 1963, với tổng diện tích đất 1.127m2 cho bà Bùi Thị Anh Thư (ngụ TP Đà Lạt) vào tháng 1/2016, với tổng giá trị 36 tỷ đồng. Để thực hiện công chứng mua bán nhà, bà Thư đưa cho bà Anh một sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng số AAB 0692800 BIDV chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội), sổ phát hành ngày 21/01/2016, thời hạn gởi tiền là 3 tháng.
Ngày 20/4/2016, bà Anh cùng bà Thư đến Phòng giao dịch D2 Giảng Võ BIDV chi nhánh Tây Hồ để hoàn tất các thủ tục sang tên sổ tiết kiệm cho bà Anh. Khi đó, bà Thư thống nhất chuyển thêm 2 tỷ đồng vào sổ tiết kiệm của bà Anh, nâng tổng số tiền trong sổ tiết kiệm lên 32 tỷ đồng. Lúc này, ông Phạm Thế Long – Giám đốc Phòng giao dịch D2 Giảng Võ trực tiếp làm việc, mượn CMND của bà Anh và bà Thư để photocopy, đồng thời đưa cho bà Anh một tờ giấy trắng và yêu cầu ký vào để xác nhận chữ ký mẫu. Ông Long hẹn bà Anh 8 giờ ngày 22/4/2016, đến nhận sổ tiết kiệm mới mang tên bà Anh.
Sáng 22/4/2016, đúng hẹn, bà Anh cùng chồng và con gái có mặt tại Phòng giao dịch D2 Giảng Võ. Trước khi giao sổ tiết kiệm, ông Long đề nghị bà Anh ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục cấp sổ tiết kiệm, đồng thời yêu cầu bà Anh ký vào 10 tờ giấy có tiêu đề “Giấy nộp tiền” nhưng không có nội dung. Trước khi nhận sổ, một cô giao dịch viên BIDV lại yêu cầu bà Anh ký thêm một giấy nộp tiền vì cho rằng lúc nãy bà ký thiếu một tờ. Khoảng 10 giờ cùng ngày, ông Long đưa cho bà Anh Sổ tiết kiệm mang tên Ngô Phương Anh với số tiền gửi 32 tỉ đồng, có kỳ hạn gởi tiền là 3 tháng.
Sau khi nhận được sổ mới, bà Anh rời Hà Nội bay về lại Đà Lạt ngay trong ngày. Đúng hai tháng sau kể từ ngày nhận sổ tiết kiệm, ngày 21/6/2016, bà Anh bất ngờ nhận được tin nhắn điện thoại được cho là nhân viên của BIDV, với nội dung: “Cô ơi, cô gọi lại con nhé. Stk (có thể là sổ tiết kiệm) của cô ở Bidv đến hạn phải trả rồi, cháu cho C Thư mượn tiền để làm sổ cho cô, bây giờ đã đến hạn tất toán. C ra Hà Nội để làm thủ tục giúp cháu, nếu tên của cô sẽ bị treo trên toàn hệ thống Ngân hàng, sau này không ai dám giao dịch với cô đâu”. Khi đọc tin nhắn có nội dung “lạ” này, bà Anh nghĩ cán bộ BIDV nhắn nhầm nên không trả lời.
Đến ngày 1/7/2016, ông Chung (được cho là cán bộ BIDV) bay vào Đà Lạt tìm nhưng bà Anh nhưng bà không gặp. Lúc này vì nghi ngờ Sổ tiết kiệm có vấn đề, bà Anh nhờ một người làm việc ở BIDV kiểm tra tài khoản trên hệ thống thì được biết toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm của bà đã bị chuyển vào tài khoản của hơn 10 người khác trước 11 giờ 30 ngày 22/4/2016.
Mặc dù bị sốc vì số tiền trên quá lớn trong sổ tiết kiệm đã “không cánh mà bay”, tuy nhiên vì sợ ảnh hưởng đến hệ thống Ngân hàng của BIDV, được sự động viên của gia đình, bà Anh cố gắng bình tĩnh. Đến ngày 8/9/2016, hai vợ chồng bà Anh từ Đà Lạt bay ra Hà Nội nhờ Luật sư Trần Quang Khải – Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Phú giúp đỡ làm rõ vụ việc. Ngày 9/9/2016, bà Anh cùng Luật sư Khải đến BIDV Phòng giao dịch D2 Giảng Võ gặp ông Thoại – Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ (thay cho ông Long nay đã chuyển công tác). Ông Thoại cung cấp toàn bộ chứng từ giao dịch mà bà Anh đã ký vào ngày 22/4/2016.
Bà anh cho biết: “Rất bất ngờ khi tôi phát hiện tờ giấy trắng mà ông Long đưa ký trước đây nay đã biến thành “Giấy báo mất sổ tiết kiệm”. Còn hơn 10 tờ “Giấy nộp tiền” mà tôi ký nay được đánh máy đã nộp tiền vào tài khoản của nhiều người mà tôi không hề quen biết chỉ vài giờ sau khi bà nhận sổ tiết kiệm”…
Cũng theo bà Anh, nhận định đây là vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vợ chồng bà cùng Luật sư đến trình bày sự việc với lãnh đạo Công an TP Hà Nội. Và đích thân Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo đơn vị chức năng tiến hành xác minh làm rõ vụ việc. Và ngày 12/9, Công an TP Hà Nội đã niêm phong, tạm gữ sổ tiết kiệm của bà Ngô Phương Anh.
Đến sáng 21/9, bà Anh chính thức gởi đơn tố cáo đến Thống đốc ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo BIDV; Công An TP Hà Nội, Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an TP Đà Lạt cùng các cơ quan chức năng đề nghị khởi tố, điều tra hành vi ông Phạm Thế Long cùng các đồng phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 32 tỷ đồng, buộc ông Long và BIDV phải trả lại 32 tỷ đồng cho bà.
Liên quan vụ việc, chiều 23/9, BIDV chính thức có thông báo xác nhận có việc khiếu nại của khách hàng về việc mất 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, đồng thời khẳng định luôn đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng và hợp pháp của khách hàng nói chung, của bà Ngô Phương Anh nói riêng. Phía BIDV cũng cho biết thêm, khi có kết luận chính xác bản chất vụ việc từ cơ quan chức năng, BIDV sẽ thông báo công khai, minh bạch theo đúng qui định của pháp luật./.
Thụy Trang (Báo Lâm Đồng, 24/09/2016)