Thời gian gần đây, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được đổi màu sơn của vạch kẻ đường từ màu trắng sang màu vàng theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Theo đó, vạch kẻ đường chỉ thay đổi màu sắc, các mức xử phạt liên quan đến hành vi vi phạm giao thông vẫn không thay đổi.
* Ý nghĩa vạch kẻ đường màu vàng
Quy chuẩn Việt Nam số 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ có hiệu lực ngày 01/11/2016, vạch kẻ đường màu vàng không dùng riêng cho đường quy định tốc độ từ 60 km/h trở lên mà được dùng để phân chia 2 chiều xe lưu thông ngược chiều. Hiện nay, nhiều địa phương, thành phố trong đó có thành phố Đà Lạt đang đồng loạt thay đổi vạch kẻ đường từ màu trắng sang màu vàng theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.
Vạch kẻ đường có ý nghĩa là dạng báo hiệu hướng dẫn nhằm nâng cao tính an toàn và khả năng lưu thông của phương tiện. Đối với vạch kẻ đường độc lập, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ ý nghĩa của vạch kẻ.
Vạch kẻ đường có thể sử dụng riêng hoặc phối hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông theo thứ tự: hiệu lệnh người điều khiển giao thông – hiệu lệnh đèn tín hiệu – hiệu lệnh biển báo – hiệu lệnh vạch kẻ đường và các dấu hiệu hướng dẫn trên mặt đường.
Theo cơ quan chức năng, từ ngày 01/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ; tại Chương 10 và Phụ lục G có quy định về vạch kẻ đường như sau:
* Và những bất cập
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, nhiều tuyến đường lớn đã và đang được sơn lại vạch kẻ đường từ màu sơn trắng sang màu sơn vàng.
Tuy nhiên, nhiều đoạn trên đường Hùng Vương, Quang Trung, Phan Chu Trinh… việc sơn lại vạch kẻ đường đang phát sinh những bất cập. Tại nhiều nhánh rẽ có lưu lượng xe cộ qua lai rất lớn, nhưng khi sơn vạch kẻ đường lại không sử dụng nét đứt mà lại kẻ nét liền, làm người đi đường bối rối, đành phải vi phạm.
Ông Trần Đình Huy (trú ở Chi Lăng) thường xuyên phải qua lại trên lộ trình đường Phan Chu Trinh, qua chùa Linh Thứu lên đường Hùng Vương để đến đón con học tại Trường THCS Phan Chu Trinh. Ông cho biết, đây là lộ trình hợp lý nhất không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người sử dụng để trách tình trạng kẹt xe ở ngã tư Phan Chu Trinh vào giờ cao điểm (tan trường). Tuy nhiên, gần đây đơn vị quản lý đường bộ cho sơn lại vạch kẻ đường, tại ngã ba đường Phan Chu Trinh rẽ qua chùa Linh Thứu lại kẻ nét liền, nghĩa là người đi đường không được đè lên vạch, lấn làn nói chi là rẽ… Như vậy chẳng khác nào đánh đố người đi đường?
Không chỉ sử dụng nét liền tại ngã ba đường Phan Chu Trinh qua chùa Linh Thứu, mà ngay trên đường Quang Trung, nơi có rất nhiều trụ sở của các cơ quan nhà nước cũng đang xảy ra tình trạng “vạch kẻ đường đánh đố người đi đường”. Ngay trước trụ sở Báo Lâm Đồng và UBND Phường 9 (TP Đà Lạt), cơ quan quản lý đường bộ vẫn “vô tư” sơn vạch kẻ đường nét liền. Như vậy, chắc chắn cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan này và cả người dân có công việc đến các cơ quan này cũng sẽ vi phạm Luật Giao thông một cách “bất đắc dĩ” nếu không muốn đi lòng vòng thêm nhiều cây số.
Để người tham gia giao thông tuân thủ Luật Giao thông thì cơ quan quản lý đường bộ cần phải nghiêm túc khi cho sơn lại vạch kẻ đường. Tránh tình trạng “vạch kẻ đường… đánh đố người đi đường”!
Lê Hữu Túc (Báo Lâm Đồng, 7/4/2018)