Chợ đêm Đà Lạt (còn được gọi “chợ âm phủ”) là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, nhưng gần đây việc tổ chức, quản lý chợ còn nhiều bất cập cần được chấn chỉnh.
Thăng trầm chợ đêm
Chợ đêm Đà Lạt (Lâm Đồng), được hình thành tự phát từ trước năm 1975 với một ít người kinh doanh cà phê, ẩm thực… phục vụ cho tiểu thương họp chợ vào lúc rạng sáng. Qua thời gian, có thêm nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng như áo len, khăn choàng, thủ công mỹ nghệ… phục vụ khách du lịch; do đó chợ nhóm họp từ chiều tối hôm trước đến sáng sớm hôm sau.
Do xảy ra tình trạng tiểu thương tùy tiện nâng giá, ép giá và có cả nạn thanh niên tụ tập nhậu nhẹt, đánh nhau, làm mất an ninh trật tự, nên năm 2005 TP.Đà Lạt giải tỏa chợ đêm. Đến tháng 4.2008, chợ đêm được khôi phục và giao cho UBND P.1 (Đà Lạt) quản lý, điều hành. Từ năm 2011, chính quyền TP.Đà Lạt giao cho Công ty TNHH ĐT-TM-DV Hiệp Thanh Bình (Công ty Hiệp Thanh Bình) đầu tư chỉnh trang, tổ chức sắp xếp lại các gian hàng. Chợ đêm đi vào hoạt động ổn định, trở thành sản phẩm du lịch và là điểm đến yêu thích đối với du khách mỗi khi đến Đà Lạt.
Tuy nhiên, từ năm 2014 Công ty Hiệp Thanh Bình buông lỏng quản lý, chợ có thêm nhiều hộ đến “chiếm lô” để kinh doanh tự do. Từ đó tái diễn việc ép giá, nâng giá, thậm chí hăm dọa, hành hung du khách; vệ sinh môi trường bị buông lỏng, nhếch nhác… Đầu năm 2016, TP.Đà Lạt tạm giao chợ đêm về lại cho UBND P.1 quản lý nhưng vẫn có những bất cập, ảnh hưởng không ít đến thương hiệu du lịch Đà Lạt. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo TP.Đà Lạt xây dựng phương án chỉnh trang, quản lý chợ đêm, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu ẩm thực, mua sắm của người dân và du khách.
Chỉnh trang chợ trước Festival Hoa 2017
Ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố đã có phương án chỉnh trang chợ đêm và đang trình cấp trên phê duyệt, nếu được đồng ý sẽ triển khai ngay để kịp phục vụ du khách dịp festival hoa cuối tháng 12.2017.
Theo ông Hiệp, chợ đêm Đà Lạt hiện chỉ có 149 hộ được sắp xếp bố trí gian hàng cố định, 79 hộ kinh doanh tự phát có địa điểm cố định. Bên cạnh đó, có từ 200 – 250 tiểu thương buôn bán hàng rong tự do quanh khu vực bùng binh tượng đài phụ nữ và ngay dưới lòng đường Nguyễn Thị Minh Khai. Riêng tại khu vực cầu thang La Tulipe có 53 hộ kinh doanh hàng ăn uống chưa được sắp xếp, quản lý nên kinh doanh lộn xộn. Đa số phản ánh bất bình của du khách về giá cả, thái độ phục vụ đều phát sinh tại khu vực này.
Ông Hiệp cho rằng phương án thành phố đưa ra sẽ giao cho Ban Quản lý chợ Đà Lạt đầu tư chỉnh trang, nâng cấp cảnh quan khu vực, tập trung quản lý, sắp xếp lại hoạt động của các hàng quán. “Chúng tôi sẽ chấn chỉnh mọi mặt để chợ đêm thành điểm nhấn cho khu vực trung tâm Đà Lạt, là một sản phẩm du lịch và điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách”, ông Hiệp nói.
Lâm Viên (Báo Thanh Niên, 28/7/2017)