Chiều 31-7-2019, Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) tỉnh Lâm Đồng tổ chức họp báo định kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế – xã hội và những vấn đề nổi bật của tỉnh trong tháng 7-2019.

Nhiều vấn đề “nóng” được báo chí, dư luận quan tâm đã được đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành giải đáp, cung cấp thông tin.

Mở đầu buổi họp báo, ông Phùng Khắc Đồng – Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Tình hình kinh tế, quốc phòng an ninh trên địa bàn vẫn được đảm bảo giữ vững, phát triển ổn định; tuy nhiên, nhiều vấn đề diễn biến khó khăn, phức tạp, như dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến xấu và đang được các cấp, các ngành tập trung kiểm soát, khống chế. Đến thời điểm này đã có 9 địa phương trong tỉnh với số lượng 21.405 con, tương đương 1.773 tấn heo thịt bị nhiễm bệnh; đảm bảo lượng thịt lợn bán ra thị trường đến người tiêu dùng là sạch, đã được phong toả, kiểm dịch…

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra các vụ phá rừng thông, chiếm đất canh tác, sang nhượng, thu lợi bất chính. Lãnh đạo địa phương, Trung ương đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực vào cuộc, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan nạn phá rừng, nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, những kẻ phá rừng vẫn không ngán ngại, liên tục gây ra các vụ phá rừng với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi (Báo Công an TP.HCM đã thông tin), bất chấp Cơ quan điều tra, Kiểm lâm đang truy bắt, xử lý.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã lập đoàn thanh tra liên ngành (do Thanh tra tỉnh chủ trì) tiến hành kiểm tra, rà soát tình trạng giao đất rừng cho doanh nghiệp, hộ cá nhân theo chương trình 135, 168 của Chính phủ; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cấp, ngành; tham mưu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, khống chế nạn phá rừng; quy trách nhiệm cụ thể với các cá nhân, đơn vị để mất rừng, có biện pháp xử lý nghiêm minh…

Đà Lạt là thành phố lọt top đầu của cả nước về phát triển du lịch. Hàng tuần, hàng tháng, hàng năm đón lượng khách tương đối lớn, bình quân khoảng 7 triệu lượt khách/năm. Bên cạnh việc tăng thu ngân sách ngành du lịch cho địa phương, tình trạng kẹt xe, tắc đường đến mức báo động khiến du khách và người dân địa phương khó khăn trong việc đi lại, di chuyển trong những ngày, giờ cao điểm.

Theo ông Phùng Khắc Đồng và bà Trần Thị Vũ Loan – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết: Với tình trạng đường xá nhỏ hẹp; khó, thậm chí không thể mở rộng thêm như hiện nay trong nội ô Đà Lạt, giải pháp tốt nhất hiện nay là không để xe 45 chỗ vào thành phố; lập 4 bến xe ở ngoại ô với quy mô quỹ đất từ 2,7 đến trên 3ha, có thu phí và miễn phí (dừng, đỗ xe). Cái khó là tìm quỹ đất, đền bù giải phóng mặt bằng, mở đường… đòi hỏi nguồn vốn từ vài trăm tỷ đến cả ngàn tỷ đồng; ngân sách địa phương không đảm bảo nên có phương án xã hội hoá, thu hút đầu tư.

Đề xuất không cho xe 45 chỗ vào trung tâm thành phố Đà Lạt

Ngoài ra, phương tiện chở khách vào thành phố để việc đi lại tiện lợi… cũng là vấn đề được tính đến, do đó cần thời gian. Đây cũng là giải pháp căn cơ, về lâu dài để giải bài toán giảm ùn tắc giao thông trong nội ô Đà Lạt. Dù là vấn đề bức thiết, địa phương muốn, nhưng chưa làm ngay được.

Giải đáp này không làm thoả mãn các cơ quan báo chí bởi đây chính là vấn đề cốt lõi, được quan tâm hàng đầu trong việc định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Do đó, nhiều ý kiến của người dân, du khách, cử tri về việc “cần phải tiến hành ngay, sớm”, không nên kéo dài thêm nữa, bởi thực tế đường xá Đà Lạt đang quá tải khi đến những ngày cuối tuần, lễ, tết, khách du lịch đổ về. Có khi đoạn đường chỉ 1km, nhưng phải mất đến nửa tiếng mới đến nơi.

Về dự án mở rộng nút giao thông Phan Chu Trinh (phường 10, TP. Đà Lạt) gây bức xúc nhiều năm qua; tỉnh Lâm Đồng trước đó đã có giải pháp giao Sở GTVT phối hợp UBND TP. Đà Lạt chủ trì mở rộng nút giao thông này, nhưng việc giải toả hay di dời chợ truyền thống Phan Chu Trinh, Trường thiểu năng Hoa Phong Lan… tỉnh chưa tìm ra quỹ đất nên chưa thể triển khai và cũng không có thời hạn cụ thể.

Theo đó, giải pháp trước mắt, tạm thời đã được triển khai lâu nay, như mở rộng vòng xoay tại các nút giao thông có lưu lượng người, phương tiện qua lại mật độ cao; giao lực lượng CSGT tăng cường công tác phân luồng, tuyến vào thời gian cao điểm; quy định đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ (ngày chẵn đỗ xe bên trái và ngược lại), cấm xe tải vào vào thành phố… sẽ được tăng cường hơn nữa.

Thật khó thuyết phục người dân, du khách khi 2 cấp, ngành tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt suốt nhiều năm qua vẫn chưa có phương án di dời ngôi trường Hoa Phong Lan, bến xe tư nhân Thành Bưởi, dịch chuyển chợ Phan Chu Trinh để mở rộng nút giao thông Phan Chu Trinh đang quá tải.

Về tình trạng xây dựng các công trình trái phép diễn ra trên địa bàn TP. Đà Lạt, bà Trần Thị Vũ Loan – đại diện lãnh đạo TP. Đà Lạt cho biết, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cương quyết, chỉ đạo chủ tịch các phường, xã, ngành chức năng; thanh tra, Hạt kiểm lâm… phải tích cực, tăng cường hơn nữa công tác thanh – kiểm tra, rà soát những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng: phân lô đất nền trái pháp luật rồi rao bán trên mạng, xây dựng trái phép, sai phép; kịp thời tham mưu, xử lý những trường hợp sai phạm với phương châm: “Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, triệt để, toàn diện”. Để xảy ra các trường hợp sai phạm về trật tự xây dựng tại địa bàn, chủ tịch xã, phường sẽ bị đề nghị xử lý ở các mức kỷ luật nghiêm minh…

Lãnh đạo các sở TTTT, NN&PTNN, KHĐT, đại diện lãnh đạo huyện Bảo Lâm cũng trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên liên quan đến những nội dung, như: thu hút đầu tư; giao khoán rừng; xử lý cán bộ sai phạm để xảy ra mất rừng; hoạt động của nhà máy bô-xít… trên địa bàn.

Ngọc Hà (Báo Công An, 31/07/2019)