Lần đầu tiên UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức thừa nhận nạn cò du lịch đang lộng hành tại TP Đà Lạt và dùng bạo lực, đe dọa tài xế, du khách, buộc họ phải mua sắm, sử dụng dịch vụ.
Nội dung này được UBND tỉnh Lâm Đồng nêu ra tại văn bản số 2490/UBND-VX2 ngày 26/4 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm nạn “cò du lịch” trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Sở Công thương và UBND các huyện, thành phố khẩn trương vào cuộc “dẹp nạn cò”.
UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận “cò du lịch” đã sử dụng các biện pháp bạo lực, đe dọa các lái xe du lịch, hướng dẫn viên du lịch và du khách, bắt họ phải vào mua sắm, sử dụng dịch vụ tại một số địa chỉ trên địa bàn, đặc biệt là các cửa hàng mua sắm đặc sản Đà Lạt, cơ sở mang tên “lò mứt”, “vườn dâu”… “Hành vi này đã gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, an toàn tính mạng của du khách; làm suy giảm hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt”, văn bản trên nêu.
Tuy nhiên, 3 ngày sau chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, tại trước các điểm, khu du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt mọi chuyện vẫn chưa có gì tiến triển. “Cò du lịch”, nhất là cò “đặc sản Đà Lạt”, những ngày này lại càng diễn ra công khai.
Sáng 29/4, trong vai du khách, phóng viên vừa tới trước khu vực cổng Vườn hoa Đà Lạt đã có liên tiếp hai thanh niên khoảng 30 tuổi đi xe gắn máy tiếp cận, áp sát xe vừa chạy vừa mời đi tham quan vườn dâu miễn phí trên đường Nguyên Tử Lực, phường 8, TP Đà Lạt. Khi bị từ chối, cả hai đều nhào người tới đưa cho phóng viên card visit của hai quầy “Đặc sản Đà Lạt”, một trên đường Nguyên Tử Lực, một có địa chỉ ở đường Phù Đổng Thiên Vương.
Chỉ trong vòng 10 phút đứng ở cổng Vườn hoa Đà Lạt, phóng viên đã ghi nhận có ít nhất 10 thanh niên, tuổi từ 17-35 liên tục dùng xe gắn máy (thậm chí không đội mũ bảo hiểm) “đảo” khắp nơi, bám theo các loại xe, nếu phát hiện người đi trên xe là du khách sẽ mồi chài, níu kéo du khách. Hành vi này không những vi phạm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng mà còn gây phiền toái cho du khách, làm mất an toàn giao thông.
Tương tự, trước cổng khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, hoạt động của lực lượng cò “Đặc sản Đà Lạt” ở đây cũng rầm rộ không kém. Sáng 29/4, rất nhiều xe chở khách du lịch, trong đó có cả xe gắn máy, khi còn cách cổng khu du lịch này tới nửa cây số đã bị nhiều thanh niên tiếp cập, áp sát xe “mời” đi tham quan và hái dâu tại vườn. Khoảng 10h cùng ngày, lúc nhiều đoàn du khách đổ về khu du lịch tham quan cũng là lúc đội ngũ “cò” hoạt động mạnh.
Dọc đường Phù Đổng Thiên Vương và Mai Anh Đào là tuyến đường có nhiều quầy “đặc sản Đà Lạt”, nên luôn có đội quân đi “cò” túc trực bám theo du khách. Thậm chí, những ngày lễ này, ngay tại ngã 5 Trường ĐH Đà Lạt, cách khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu hơn 2 km nhưng đã có “cò” đứng chờ trực sẵn. Khi phát hiện du khách, những người này lập tức bám theo và mồi chài.
Theo một nhân viên có chức năng trong việc quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng, sở dĩ tình trạng “cò du lịch” tại Đà Lạt lộng hành và trở thành nỗi bận tâm của chính quyền, dẫn đến việc UBND tỉnh Lâm Đồng phải ra văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý dứt điểm loại tệ nạn này là do các cơ sở dịch vụ du lịch, nhất là quầy “đặc sản Đà Lạt” sẵn sàng chi “hoa hồng” cho đội ngũ cò tới trên 40% tổng số tiền bán được khi dắt mối tới mua.
Trong khi đó, một người từng bán hàng cho quầy “Đặc sản Đà Lạt” trên đường Phù Đổng Thiên Vương tiết lộ, các loại “Đặc sản Đà Lạt” tại quầy mà người này bán trước đây gần như hoàn toàn được nhập từ Trung Quốc với số lượng lớn, giá rất rẻ. Chủ quầy sẽ cho nhân viên đóng vào từng gói nhỏ, dán thêm mác “Đặc sản Đà Lạt” và bán với giá… trên trời.
Gần đây nhất, hồi cuối tháng 3, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã bắt giữ 300 kg “Đặc sản Đà Lạt” không rõ nguồn gốc.
Thạch Thảo (Theo Zing)