Với 19 điểm 3 môn (Văn, Sử, Ðịa) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018, Phượng đã trúng tuyển vào Trường Ðại học Kinh tế – Tài chính TP Hồ Chí Minh. Nhưng do bố và mẹ đều đã mất, Phượng đành phải tạm gác giấc mơ đại học.
Hoàn cảnh cùng cực
Bộ “sưu tập” giấy khen của em Vũ Thị Kim Phượng (18 tuổi, ngụ Thôn 4, xã Tân Thượng, huyện Di Linh) cho thấy suốt 12 năm liền em đều đạt học lực khá, giỏi. Thế nhưng, đường đến trường của Phượng lại vô cùng gập ghềnh và đầy rẫy chông gai khi bố và mẹ em đều mang trọng bệnh. Mới học lớp 5, Phượng đã phải làm đủ mọi việc của người lớn, kể cả công việc đi mót cà phê kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Trong cơn mưa chiều Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến thăm Phượng khi em đang phụ giúp tại một quán cơm ở thị trấn Di Linh (huyện Di Linh). Hai giờ đồng hồ là khoảng thời gian mà chúng tôi xin phép ông bà chủ quán cơm để được trò chuyện và thấu hiểu hơn về hoàn cảnh của Phượng. Theo như chia sẻ của Phượng, năm em học lớp 5, bà Vũ Thị Nga (mẹ Phượng) bị tai biến liệt nửa người phải nằm một chỗ. Để lo tiền chữa bệnh cho vợ và nuôi 2 chị em Phượng ăn học, ngoài việc chăm sóc hơn 5 sào cà phê, bố em là ông Phùng Ngọc Duy phải đi làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề. Tưởng rằng, tai họa ập đến với gia đình em như vậy là quá cay nghiệt, ai ngờ lúc Phượng bước vào lớp 10, vì quá lao lực lo cho gia đình đã khiến bố Phượng kiệt sức ngã bệnh. Và rồi, cầm kết quả khám bệnh của bố trên tay, Phượng lặng người khi biết rõ bố mình mắc căn bệnh quái ác (ung thư gan giai đoạn cuối).
Lúc này, Phượng mới chỉ 16 tuổi, nhưng phải cáng đáng tất cả mọi chuyện lớn, nhỏ trong gia đình. Hàng ngày, sau giờ học, Phượng lại tất bật chạy về nhà lo cơm nước cho bố mẹ và em trai. “Từ lúc mẹ và bố đổ bệnh, trong nhà chẳng có gì giá trị để bán lấy tiền lo thuốc men. Thương tình, bà con hàng xóm cho ít tiền và gạo để gia đình em đắp đổi qua ngày. Mặc dù bố mẹ bị bệnh nặng, nhưng bữa cơm cũng chỉ là rau cháo cho qua bữa. Đến mùa thu hoạch cà phê, em tranh thủ đi mót được ngày vài ba kg đem bán lấy tiền mua gạo và thêm con cá khô, miếng thịt nấu cho bố mẹ bữa ăn…” – Phượng nghẹn lời khi kể về hoàn cảnh của gia đình.
Những cú sốc liên tiếp lại đến với Phượng. Vào tháng 12/2016, khi em đang học lớp 11 (Trường THPT Nguyễn Huệ) và em trai là Vũ Văn Minh đang học lớp 9 thì bố Phượng qua đời. Tám tháng sau, mẹ Phượng cũng theo bố ra đi mãi mãi và chị em Phượng trở thành những đứa trẻ mồ côi. Trong tận cùng của nỗi đau mất cả bố lẫn mẹ, khiến tinh thần của cô nữ sinh cấp 3 như đổ sụp hoàn toàn. Song nhờ sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ của người thân, bà con hàng xóm, chính quyền địa phương và nhà trường đã giúp em vượt qua nỗi đau để tiếp tục theo đuổi ước mơ con chữ.
Mong được viết tiếp ước mơ
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng không vì thế mà Phượng xao nhãng chuyện học hành. Để vượt lên số phận, em luôn tự bảo mình phải nỗ lực vươn lên trong học tập. Nhờ vậy, suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, Phượng đều đạt kết quả học tập khá, giỏi.
Ông Cao Xuân Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Tuy hoàn cảnh rất đáng thương, nhưng em Phượng luôn là học sinh khá, giỏi xếp vào tốp đầu của trường. Biết được hoàn cảnh éo le của gia đình, nên nhà trường đã làm các thủ tục để em được miễn hoàn toàn học phí trong suốt 3 năm học cấp ba. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi tài trợ, trao học bổng để động viên em cố gắng học tập. Tiếc rằng, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, em Phượng đã đậu đại học nhưng vì hoàn cảnh đành tạm thời phải lỡ hẹn với ước mơ của mình”.
Để viết tiếp ước mơ, Phượng đã chuyển qua ở nhờ nhà của một người thân tại thị trấn Di Linh và xin vào làm việc tại một quán cơm. Hàng ngày, Phượng phải đạp xe hơn 4 km tới chỗ làm. Song đổi lại, mỗi tháng, Phượng có được nguồn thu phập 3,7 triệu đồng (bao cơm). “Em mới vào làm việc tại đây được hơn 1 tháng, nhưng thấu hiểu được hoàn cảnh của em nên cô chú chủ quán rất thương và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Em sẽ có gắng làm để kiếm tiền lo cho em trai đi học nghề sửa chữa xe máy và dành dụm lo cho tương lai của bản thân. Tuy khốn khó, nhưng em sẽ cố gắng vươn lên với hy vọng sẽ có ngày được vào đại học” – Phượng mong muốn.
Ông Nguyễn Tấn Thông, Phó Chủ tịch xã Tân Thượng cho biết: “Hiện, toàn xã còn 82 hộ nghèo, nhưng gia đình cháu Phượng là khốn khó, bi đát nhất. Bố mẹ bệnh tật kéo dài và đã qua đời khiến cuộc sống của chị em cháu Phượng vốn đã khó khăn, nay lại càng cùng cực hơn. Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, địa phương cũng đã kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp xây cho chị em cháu Phượng căn nhà tình thương gần 150 triệu đồng; đồng thời, làm hồ sơ để chị em Phượng được hưởng chế độ trợ cấp 400 ngàn đồng/tháng. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng đổi lại Phượng luôn chăm ngoan, học giỏi. Mong rằng tới đây, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẽ dang rộng vòng tay giúp đỡ để cháu Phượng có cơ hội viết tiếp ước mơ còn dang dở của mình”.
Trước khi quay lại quán cơm làm việc, Phượng vội vàng thắp cho bố mẹ nén nhang, nhìn ánh mắt của em như đang hứa với bố mẹ mình một điều gì! Hy vọng, với nghị lực của bản thân cùng sự sẻ chia giúp đỡ của mọi người sẽ giúp em vượt qua khó khăn, chông gai để viết tiếp ước mơ con chữ, trở thành người có ích cho xã hội.
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả xin liên hệ em Vũ Thị Kim Phượng 01682 085 634 hoặc ông Nguyên Tấn Thông phó chủ tịch xã Tân Lâm ĐT: 0918 368 578.
Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 19/9/2018)