Thời tiết tại Đà Lạt (Lâm Đồng) diễn biến thất thường khiến hoa địa lan nở sớm trước tết gần cả tháng, khiến nhiều nhà vườn phải chịu cảnh thua lỗ, bán hoa cành với giá rẻ.
Thời điểm giữa tháng 1/2019, PV Dân Việt có mặt tại một số vườn trồng địa lan của người dân Đà Lạt để ghi nhận tình trạng hoa nở sớm. Mặc dù còn hơn 20 ngày nữa mới tới Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhưng nhiều chậu địa lan đã nở xòe vàng rực, khiến người trồng phải cắt bán cành, chấp nhận lỗ với giá chỉ khoảng 55 ngàn đồng/cành.
Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn hoa Quỳnh Anh (phường 8, TP.Đà Lạt) cho biết: “Do thời tiết diễn biến không thuận lợi nên nhiều vườn hoa ở Đà Lạt đã bị bung hoa sớm, ảnh hưởng lén đến lượng hoa đưa ra thị trường trong dịp tết năm nay. Giống như năm 2017, hiện tại vườn địa lan khoảng 5.000m2 của tôi đã nở khoảng 70%”.
Chính vì hoa đã nở quá sớm nên hiện tại ông Quỳnh phải cắt cành đem bán hi vọng thu hồi chút vốn, với giá dao động từ 40 – 70 ngàn đồng/cành. Giá này chỉ bằng khoảng 1/10 so với giá hoa chậu được bán vào thời điển giáp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, các nhà vườn vẫn phải chấp nhận với giá bán này với mong muốn vớt vát lại được phần nào tiền công và chi phí sản xuất trong suốt một năm trời.
Tuy nhiều nhà vườn chịu cảnh “đắng cay” vào thời điểm hiện tại nhưng ông Lê Thanh Hùng (chủ vườn lan rộng 1ha tại xã Xuân Sơn, Xuân Trường, Đà Lạt) lại có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi vườn lan của mình dự kiến sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên Đán, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.
“Những vườn ở phía trên cao thương có nhiệt độ cao hơn, đón ánh nắng hàng ngày sớm hơn nên hoa của họ thường bị nở sớm. Trong khi vườn của tôi nằm lọt trong thung lũng, xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng thông nên độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và đón ánh nắng muộn hơn khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nếu khoảng 9 giờ sáng, các vườn ở trên cao có nhiệt độ khoảng 21 độ C thì vườn của tôi chỉ vào 12 độ C, vì vậy hoa sẽ bị hãm thời gian phát triển lại, nhờ đó sẽ nở đúng dịp tết”, ông Hùng chia sẻ.
Bên cạnh những yếu tố tự nhiên ông Hùng được hưởng thì với kinh nghiệm 10 năm trồng địa lan, ông Hùng có đủ khả năng, kỹ thuật để “điều khiển” cho hoa ra đẹp đúng dịp tết Nguyên đán và bán được giá cao.
Chỉ tay về phía những cành hoa mới hé nở, dự kiến sẽ “bung lụa” đúng dịp tết của mình, ông Hùng chia sẻ rằng: “Tự nhiên là một phần, ngoài ra mình cần phải có những tác động cần thiết để kìm hãm hoa nở. Nếu các nhà vườn khác, họ cho cây ăn phân vào tháng 2 thì tôi lại bón phân cho chúng vào tháng 4. Tôi chấp nhận những cành hoa của mình thấp hơn của họ nhưng được lợi thế là chúng sẽ nở muộn hơn”.
Ngoài ra chế độ tưới cũng quyết định đến thời gian ra hoa của cây địa lan. Ông Hùng cho biết, trong thời gian cây đã ra hoa thì 3 ngày ông sẽ tưới một lần, còn lại trong thời gian nghỉ (từ khi cắt bông vụ tết đến khi bón phân cho mùa hoa mới) thì 7 ngày ông mới tưới một lần. Chính vì vậy, toàn bộ vườn hoa của ông đã trổ hoa phù hợp với dịp tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó, khi hoa bắt đầu phân tai thì ông sẽ phủ thêm một lớp lưới đen nữa để giảm nhiệt độ và ánh sáng, kìm hãm sự phát triển của cây địa lan.
Đến nay, ông Hùng đã bán được 300 chậu hoa cho khách hàng sử dụng trong dịp tết Dương lịch. Hiện tại, toàn bộ vườn địa lan của ông Hùng có khoảng 1.500 chậu hoa, đã bắt đầu trổ bông để bán trong dịp Tết Âm lịch. Trung bình mỗi chậu hoa ông bán với giá khoảng 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hùng sẽ thu về khoảng 600 triệu đồng.
Văn Long (Báo Dân Việt, 14/01/2019)