Thời gian gần đây, người dân thôn Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước do Doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm chảy rỉ xuống cống 7 (thuộc khu vực suối ranh giới 364 giữa xã Tân Thành và xã Phú Hội).
Theo Báo cáo số 06/BC-UBND ngày 23/1/2018 của UBND xã Tân Thành thì qua kiểm tra xác minh hiện trạng tại khu vực đất của Doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm có một khu chứa vỏ cà phê và phơi phân ủ với khối lượng ước khoảng 1.000 m³, xung quanh bãi chứa vỏ cà phê và phơi phân ủ có rãnh nước màu đen và chảy rỉ xuống suối. Tại khu vực cống 7, với chiều dài khoảng 500 m đến 600 m có những vị trí hố nước thuộc lòng suối có màu đục đen, có mảng bọt trắng trên mặt, có mùi chua thối.
Sự việc trên được các cơ quan chức năng vào cuộc khi có đơn kiến nghị của người dân phản ảnh về tình trạng ô nhiễm ở cống 7 – là nơi một số hộ dân lấy nước tưới cà phê, hồ tiêu. Qua kiểm tra của UBND xã Tân Thành thì hiện trạng vườn cà phê của ông Phạm Văn Chiến có tổng diện tích 1,5 ha, đất trồng cà phê robusta ghép năm thứ 10 và có xen hồ tiêu với tổng số cây khoảng 1.000 gốc. Số lượng cây cà phê có hiện tượng vàng lá và chết khoảng từ 80% đến 85%, số hồ tiêu bị chết khô khoảng từ 60% đến 70%, số tiêu và cà phê còn lại có màu vàng và kém phát triển.
Ông Phạm Văn Chiến, một người thôn Phú Bình cho biết: Cống 7 là nơi gia đình tôi cùng một số hộ dân khác ở trong thôn lấy nước để tưới cà phê, hồ tiêu đã nhiều năm nay. Nhờ nguồn nước đó mà cây trồng của tôi sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng đến khi nước bị vẩn đục, hôi thối thì cà phê và hồ tiêu bắt đầu chết. Mỗi năm từ 1,5 ha đất canh tác này, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng, nhưng giờ đây thì trắng tay.
Trước tình hình trên, ông Lê Văn Bình – Trưởng thôn Phú Bình đã phải khuyến cáo bà con trong vùng sản xuất nông nghiệp tại khu vực cống 7 không sử dụng nguồn nước này để tưới cà phê, hồ tiêu. Ông Bình cho biết thêm, chính bản thân ông đã nhiều lần nêu vấn đề ô nhiễm ở cống 7 trước các cuộc họp của địa phương nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn và chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Nông Quốc Chính – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Qua xác minh nội dung đơn thư của người dân, thì ghi nhận của chính quyền địa phương là có tình trạng những hố nước có màu đục đen, có mảng bọt trắng trên mặt, có mùi chua thối nhưng việc cây cà phê và hồ tiêu của ông Chiến có chết vì nguồn nước hay không thì chúng tôi không thể xác định được nguyên nhân. UBND xã đã có đề nghị UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện phối hợp với UBND xã thực hiện xác định rõ mức độ, nguyên nhân ô nhiễm tại những vị trí hố nước tại lòng suối 364 giữa xã Tân Thành và Phú Hội. Đồng thời, xác định rõ nguyên nhân gây cho cây cà phê, hồ tiêu bị vàng lá và chết tại khu vực đất của ông Phạm Văn Chiến. Ngày 17/11/2017, UBND xã phối hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên – Môi trường kiểm tra hiện trạng sản xuất phân bón của Doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm theo quy định của pháp luật. Đến nay chúng tôi chưa nhận được sự chỉ đạo nào từ UBND huyện để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Trong khi UBND xã Tân Thành đang chờ sự chỉ đạo từ UBND huyện để tiến hành những bước tiếp theo thì người dân có đất sản xuất ở khu vực cống 7 vẫn chưa an tâm về nguồn nước và cà phê, hồ tiêu phải chịu cảnh khô, khát.
Tứ Đức (Báo Lâm Đồng, 6/2/2018)