Tiểu dự án thoát nước TP Đà Lạt (Lâm Đồng) giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn ì ạch, mặt đường nhiều nơi bị cày xới ngổn ngang, đe dọa tới an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, nhất là khi Đà Lạt đang bước vào cao điểm của mùa du lịch, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến.
Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng là đơn vị quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước Đà Lạt có tổng giá trị trên 767 tỷ đồng, trong đó, trên 615 tỷ đồng được vay từ Ngân hàng Thế giới, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ. Dự án này chia thành 2 hợp phần, gồm tiểu dự án cấp nước và tiểu dự án thoát nước.
Tiểu dự án thoát nước TP Đà Lạt giai đoạn 2 được khởi công từ năm 2014, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến nay dự án mới cơ bản hoàn thành việc lắp đặt đường ống cùng 5 trạm bơm nâng để đẩy nước thải về nhà máy, đồng thời mở rộng và nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt.
Quá trình triển khai dự án, cả đơn vị quản lý là Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng và đơn vị thi công lắp đặt hệ thống cấp thoát nước là Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (Hải Phòng) đã bộc lộ rất nhiều bất cập.
Dự án không những chậm tiến độ đề ra mà đường sá thuộc nhiều tuyến đường trong nội ô Đà Lạt bị đào xới để lắp đặt hệ thống cấp thoát nước xong đã không được hoàn nguyên kịp thời, hoặc hoàn nguyên nhưng sau đó sụp lún, tạo nên những ổ voi, ổ gà, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đơn vị thi công còn để vật liệu ngổn ngang trên lòng đường, vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở tới hoạt động đi bộ, lưu thông của người dân và du khách…
Hàng loạt những bất cập của dự án này đã được cử tri TP Đà Lạt kiến nghị lên HĐND TP Đà Lạt, HĐND tỉnh Lâm Đồng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để yêu cầu các đơn vị liên quan phải khắc phục những tồn tại trên.
Từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã liên tục ra văn bản chỉ đạo Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng và các cơ quan, đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương khắc phục và chấm dứt những tồn tại trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, những chỉ đạo, chấn chỉnh của UBND tỉnh Lâm Đồng đến nay vẫn không có nhiều tác dụng. Đơn vị thi công tiếp tục có những vi phạm.
Đà Lạt bước vào cao điểm mùa du lịch, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhưng nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố vẫn bị đào xới và để đó trong thời gian dài, gây sụt lún, tạo nên những rãnh, hố sâu giữa đường, như đường Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong…
Anh Nguyễn Văn Hưởng, tài xế một xe khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, anh thường xuyên chở khách đi du lịch ở nhiều nơi tại các tỉnh phía Nam nhưng với anh, đường sá tệ nhất là Đà Lạt. “Suốt mấy năm qua, chưa mùa du lịch nào tôi đưa khách lên đây mà đường sá lại không bị đào xới. Nhiều tuyến đường chính của thành phố cũng đầy hào, rãnh, sụt lún nham nhở!..”-anh Hưởng phản ánh.
Ông Chu Văn Tài, một người dân phường 4, TP Đà Lạt, cho biết: “Vấn đề này người dân chúng tôi kiến nghị lên cơ quan chức năng “khản cả cổ rồi” nhưng mọi chuyện có tiến triển gì đâu, đường vẫn cứ đào lên rồi để ngổn ngang như thế. Ý kiến hoài, chẳng ai buồn nói nữa!…”.
Liên quan đến những bất cập trên, ngày 31-5 vừa qua, UBND TP Đà Lạt đã ra quyết định xử phạt ông Lưu Đăng Thủy, đại diện Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng về hành vi trong quá trình thi công lắp đặt hệ thống thoát nước tại đường Trần Phú, TP Đà Lạt, không có biện pháp thu gom vật liệu thừa, không hoàn trả mặt đường theo nguyên trạng khi thi công xong, gây mất an toàn giao thông.
Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính cho hành vi này của UBND TP Đà Lạt đối với ông Lưu Đăng Thủy chỉ 4 triệu đồng. Trong lúc dự án vẫn ì ạch triển khai thì người dân Đà Lạt và khách du lịch vẫn hằng ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những bất cập của dự án trên.
Kim Ngân (Báo CAND, 13/6/2017)