Thời gian qua, mặc dù UBND huyện Đạ Huoai và các ngành chức năng địa phương đã có những động thái tích cực trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động san gạt, khai thác đất trái phép trên địa bàn. Thế nhưng, hiện tại, nhiều cá nhân vẫn bất chấp lệnh cấm cố tình san gạt, khai thác đất trái phép.
Theo ghi nhận vào ngày 19/8/2020, trên Tỉnh lộ 721, đoạn qua địa bàn xã Đạ P’Loa có ít nhất 3 điểm san gạt, khai thác đất đang hoạt động. Điều đáng nói, tại những điểm san gạt đất nằm ngay trên Tỉnh lộ 721, nhưng vẫn hoạt động công khai như chỗ không người. Cứ thế, nhiều quả đồi trồng điều ngày đêm bị bạt ngang, khoét sâu tạo thành những hang hốc dựng đứng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Phía dưới những quả đồi bị san gạt, đào xới là những căn nhà nằm chênh vênh tìm ẩn nguy cơ bị vui lấp nếu xảy ra sạt lở. Tại những điểm san gạt nay, thường xuyên có 1 – 2 người trực chiến để nhận “kèo” chở đất. Qua tìm hiểu, những người này cho biết, nhu cầu mua đất bao nhiêu họ cũng đáp ứng, với giá từ 80 – 200 ngàn đồng/xe từ 10 – 15 m3, tùy vào cự ly vận chuyển. Tuy nhiên, họ chỉ chở vào buổi tối và các ngàychủ nhật để “né” cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Đặc biệt, ngay trên địa bàn xã Đạ P’Loa có một điểm san gạt rộng đến hàng ngàn mét vuông, chẳng khác nào một “đại công trường” đang thi công. Thời điểm chúng tôi có mặt, tại điểm san gạt này có 1 máy múc và 1 xe ủi đang ngang nhiên hoạt động. Làm việc với chúng tôi về điểm san gạt này, ông Phan Thanh Bình – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ Huoai, thừa nhận: “Trên địa bàn huyện Đạ Huoai không có bất kỳ điểm san gạt, khai thác đất nào được cấp phép hoạt động. Cảm ơn các anh đã phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay. Nếu các phương tiện vi phạm còn tại hiện trường, chúng tôi sẽ tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Tương tự, tại Tổ dân phố 6 (thị trấn Mađaguôi) có 2 điểm khai thác đất, với nhiều máy múc liên tục đào xới và xe ben liên tục ra vào chở đất đi tiêu thụ. Với lượng xe ben chở đất liên tục hoạt động, kéo theo bùn đất rơi vãi bám đầy đường gây trơn trượt, bụi bặm khiến người dân bức xúc. Cùng với đó, tại 2 xã Mađaguôi và Đạ Huoai có nhiều quả đồi đang dần bị khoét sâu, san phẳng do hoạt động khai thác đất đã và đang kéo dài trong suốt thời gian qua.
Trước thực trạng san gạt, khai thác đất đã và đang diễn ra trên địa bàn, ngày 18/8/2020, UBND huyện Đạ Huoai đã tổ chức cuộc họp với đầy đủ các ban, ngành chức năng và các xã, thị trấn để tìm giải pháp quản lý, chấn chỉnh. Theo đó, UBND huyện Đạ Huoai chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn thành lập các tổ công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi san gạt, khai thác và vận chuyển đất trái phép trên toàn địa bàn.
Ông Phan Thanh Bình – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ Huoai, cho biết thêm: “Qua kiểm tra thực tế, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện đã lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với 22 điểm khai thác, san gạt đất trái phép; trong đó, có 4 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 14 triệu đồng. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an huyện đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 trường hợp liên quan đến phương tiện chở đất đá trái phép, với số tiền xử phạt là 178 triệu đồng”.
Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 20/08/2020)