Nhắc đến đường cao tốc Liên Khương – đèo Prenn (dài 19,2 km), nhiều lái xe lắc đầu không hiểu con đường này là cao tốc dành cho xe ô tô hay… đường quốc lộ bình thường. Mặc dù bị cấm nhưng trên đường cao tốc này thường xuyên có xe gắn máy chạy “đua” cùng ô tô ở tốc độ cao; thỉnh thoảng xuất hiện cả đàn bò, dê… cũng hứng chí lững thững dạo chơi trên cao tốc.
Theo thiết kế, cao tốc Liên Khương – đèo Prenn chỉ dành cho xe ô tô lưu thông với vận tốc cao, không có đường giao cắt, cấm xe gắn máy, xe thô sơ khác đi vào, nhưng trên thực tế giao thông trên con đường này hiện rất lộn xộn, gây nguy hiểm cho người lái xe.
Xe gắn máy “vi vu” trên đường cao tốc
Đường cao tốc bắt đầu từ vòng xoay Liên Khương (thị trấn Liên Nghĩa) nối đến chân đèo Prenn dài gần 20 km nhưng bất hợp lý là chỉ ở hai đầu đường (gần 5 km) mới có đường gom hai bên để xe gắn máy lưu thông. Toàn bộ đoạn đường còn lại khoảng 15 km không có đường gom, chỉ có đường dành cho ô tô được rào chắn với khu đất hai bên đường bằng các dải phân cách bằng sắt hoặc lưới B40.
Về nguyên tắc đoạn nào chưa có đường gom thì xe gắn máy không được đi vào cao tốc nhưng thực tế dọc suốt hai bên con đường cao tốc này, có vài chục con đường của người dân tự mở (cả đường đất và đường trải nhựa) kết nối thẳng vào đường cao tốc. Từ đó, xe gắn máy, người đi bộ thoải mái đi lại trên đường cao tốc. Nhiều xe gắn máy còn vô tư chạy ngược chiều đường cao tốc, đối diện với các xe ô tô đang lao vùn vụt với tốc độ cả trăm km/giờ. Cũng trên con đường này, hiện có hàng chục vị trí dải phân cách để phân chia hai làn đường ngược chiều cũng bị tháo dỡ hoặc đập nát để cho xe cộ tiện quay đầu.
Có mặt tại đoạn đường gần Khu du lịch Trần Lê Gia Trang thuộc thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng khoảng 10 phút, chúng tôi ghi nhận cả chục xe gắn máy thản nhiên chạy vào đường cao tốc. Hầu hết các xe đều đi với tốc độ khoảng 60-80 km/giờ, bất chấp biển báo cấm xe mô tô. Mạo hiểm hơn, nhiều xe máy chở ba, bốn người đột nhiên băng qua dải phân cách (do người dân tự phá bỏ) trước cổng khu du lịch này để quay đầu.
Anh K’Bảy, nhà ở bên phải đường cao tốc (hướng từ Đức Trọng lên Đà Lạt) cho biết, gia đình anh có vườn cà phê nằm bên trái đường cao tốc (thôn K’Long, xã Hiệp An). Hàng ngày anh đều đi xe gắn máy băng ngang qua đường cao tốc để đi làm vườn. “Không băng qua đường cao tốc thì tôi không biết đi đường nào. Muốn băng qua bằng hầm chui thì cũng phải đi vào cao tốc để đến hầm chui vì đoạn này không có đường gom” – anh K’Bảy chia sẻ. Theo nhiều người dân có nhà, vườn hai bên đường cao tốc, trước khi có đường cao tốc mở thì tại khu vực này có nhiều đường dân sinh để người dân đi lại. Khi đường cao tốc được mở cắt ngang các con đường dân sinh trên khiến người dân không có đường để vào một số khu vực sản xuất. Do đó, nhiều đoạn rào lưới B40 đã bị người dân dỡ bỏ nên mới có chuyện bò, dê… chăn thả nhẩn nha gặm cỏ, dạo chơi trên cao tốc.
Theo ghi nhận ngày 3/10, không chỉ có việc người dân mở đường, đi xe gắn máy vào cao tốc mà gần đây còn có tình trạng nhiều xe buýt, xe khách… bắt khách ngay dưới lòng đường cao tốc. Nhiều nhất là đoạn đường từ trạm thu phí Định An tới chân đèo Prenn. Khá nhiều xe buýt, xe khách của các hãng xe chạy tuyến Đà Lạt – Đơn Dương, Đà Lạt – Đức Trọng, Đà Lạt – TP Hồ Chí Minh thường xuyên dừng đón khách trên đoạn đường này.
Chưa có đường gom, dân còn vi phạm
Theo nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường cao tốc, họ hiểu việc đi vào đường cao tốc là nguy hiểm nhưng đó là con đường duy nhất ra vào nhà mình nên không còn cách nào khác.
UBND huyện Đức Trọng thông tin: Hằng năm, UBND huyện đều cho các đơn vị thống kê hàng chục con đường người dân đã tự ý mở đi vào đường cao tốc và cũng đã có kế hoạch xử lý tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế là việc mở đường cao tốc đã cắt ngang một số đường dân sinh của người dân có từ nhiều năm trước. Trong khi đó, nhu cầu đi lại của người dân hai bên đường cao tốc là chính đáng (nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận đất ở, nhiều cá nhân, tổ chức được cấp làm dự án, du lịch…) mà không có đường gom cho dân đi thì chính quyền địa phương cũng khó xử phạt người vi phạm.
Đầu năm 2018, cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng cũng đã tiến hành đóng lại các vị trí lưới bị phá, làm lại dải phân cách, rào lại đường tự mở… nhưng chỉ được ít ngày sau, người dân lại tiếp tục vi phạm. Lực lượng CSGT Công an huyện Đức Trọng cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng chỉ hạn chế phần nào vì đường cao tốc dài gần 20 km, chặn xe chỗ này thì chỗ khác vẫn vi phạm nên không thể xử lý triệt để.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng đánh giá, hạ tầng giao thông của đường cao tốc Liên Khương – Prenn chưa đồng bộ, hệ thống đường gom, cống dân sinh chưa được đầu tư hoàn chỉnh gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất, sinh sống hai bên đường. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán nan giải nêu trên, trong cuộc họp vào cuối tháng 3/2018 với các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư đường gom dân sinh trên tuyến đường cao tốc Liên Khương – Prenn.
Cụ thể, UBND tỉnh giao các đơn vị sẽ nghiên cứu triển khai hệ thống đường gom dân sinh bên trái của tuyến đường cao tốc, gồm 2 đoạn: từ Km206+643 – Km208+100 và đoạn Km213+678 – Km219 (tại nhánh rẽ trái dưới cầu vượt) và bên phải, cũng gồm 2 đoạn: đoạn Km206+643 – Km207+715 và đoạn Km209+555 – Km215+203. Hoặc phương án 2 là bổ sung mới 1 cống dân sinh có khẩu độ lớn tại Km213+678 để kết nối các đường cống dân sinh hiện có đi ra QL20. Hiện Sở GTVT đã trình bản chi tiết kế hoạch triển khai phương án mở đường gom trên cao tốc, chuyển qua các sở, ngành liên quan thống nhất phương án, bố trí nguồn vốn trước khi báo cáo lên UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.
C.Phong (Báo Lâm Đồng, 08/10/2018)