Thời gian vừa qua, hàng chục vụ trộm đột nhập vào nhà, đục két sắt trộm tài sản diễn ra liên tục trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, người dân cần hết sức cảnh giác trước nạn trộm đang hoành hành này.
Công an huyện Lâm Hà cho biết, chỉ trong ngày 20/9/2016, huyện đã xảy ra 3 vụ trộm vào nhà, phá két sắt để trộm tài sản tại thôn Liên Trung, xã Tân Hà. Cũng chỉ trong 1 tuần qua, đã có 9 vụ xảy ra, với cùng một thủ đoạn “đục” két sắt trên địa bàn huyện.
Ông Lê Văn Tân (Liên Trung, Tân Hà, Lâm Hà) kể lại: Gia đình đang có người ở nhà làm việc trước nhà, do không để ý, trộm đã trèo rào từ phía sau, phá cửa sổ vào đục két sắt lấy đi hơn 100 triệu đồng tiền mặt.
Trước đó, ngày 12/9, ông Lê Tiến Dũng (ở thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) cũng đã trình báo vụ việc bị kẻ gian đột nhập vào nhà đục két sắt lấy đi một lượng lớn tài sản có giá trị đến cơ quan công an. Tại hiện trường cho thấy lợi dụng nhà vắng người, kẻ gian đã đột nhập vào cổng sau, dùng vật cứng phá cửa kính, sau đó tắt hệ thống điện và camera giám sát, tận dụng dao và búa để sẵn trong nhà, đột nhập vào phòng ngủ để đục két sắt lấy đi nhiều tài sản có giá trị.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện trên thị trường có rất nhiều loại két sắt khác nhau như: két sắt bảo mật, két sắt chống cháy, két sắt điện tử… giá dao động từ 3 – 7 triệu đồng/cái. Trong đó, bán chạy nhất là loại nặng từ 30 – 60 kg với giá từ 2 – 3,5 triệu đồng/cái. Những vụ trộm két sắt vừa qua cho thấy, người dân đã quá tin tưởng vào công năng của két sắt, cho rằng cất giữ tài sản trong két là an toàn, trong khi đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp có thể nạy, đục phá két sắt một cách dễ dàng. Một số loại két sắt được làm bằng vật liệu không đảm bảo như có lớp tôn mỏng, ở bên trong có lớp bê tông và các nguyên vật liệu dễ đục phá khác. Chính vì chất lượng không đảm bảo như vậy, kẻ gian đột nhập và đục trộm lấy tài sản rất dễ.
Ông Phan Văn Thông – Trưởng Công an huyện Đức Trọng cho biết: Để thực hiện các vụ trộm két, các đối tượng gây án trước đó dành thời gian nghiên cứu rất kỹ quy luật sinh hoạt, nơi cất giữ két sắt của các cơ quan, gia đình, từ đó chọn thời điểm ra tay.
Theo nhận định của Cơ quan điều tra, nhóm đối tượng này hoạt động liên huyện, liên tỉnh, rất chuyên nghiệp, tinh vi và manh động. Hầu hết các vụ, bọn chúng đột nhập vào nhà bằng cửa sau để tránh sự chú ý của hàng xóm, người đi đường và mang theo dụng cụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn nghiên cứu kỹ hệ thống camera của các gia đình và vô hiệu hoá trước khi đột nhập vào nhà.
Trước tình trạng ngày càng gia tăng của tình trạng này, thiết nghĩ, cách phòng ngừa tốt nhất là gia đình, cơ quan, đơn vị cần hết sức cảnh giác thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý tiền mặt. Mặt khác, do đối tượng gây án thường cơ động, di chuyển liên tục nên về phía lực lượng công an, cần tăng cường thông tin giữa các đơn vị, địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền phòng ngừa và phối hợp đấu tranh, bắt giữ đối tượng gây án. Đồng thời các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các mặt hàng két sắt không đảm bảo, không rõ nguồn gốc trên thị trường, để kịp thời loại bỏ những mặt hàng kém chất lượng.
Diễm Thương (Báo Lâm Đồng, 21/09/2016)