Kết quả thanh tra từ huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng cho thấy có 101 hộ gia đình, cá nhân đã được đầu tư hỗ trợ sản xuất sai sót với số tiền hơn 550 triệu đồng
Thời gian qua, hàng trăm hộ dân tại 4 thôn ở xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng tố cáo việc UBND xã này chi sai hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình 30A (chương trình hỗ trợ các huyện nghèo) và Chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Không đúng đối tượng
Theo đơn tố cáo, UBND xã Đoàn Kết để xảy ra nhiều sai phạm về vốn các chương trình trên như: giả mạo chữ ký, ký khống; lập danh sách khống để được hưởng lợi; sử dụng phân bón NPK kém chất lượng cung ứng cho người nghèo với giá cao; nhiều hộ nghèo thực sự không được hưởng lợi từ nguồn vốn thoát nghèo…
“Năm 2012, gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Sang năm 2013, xã cắt hỗ trợ mà không có lý do. Đến năm 2014, chúng tôi phản ánh thì hỗ trợ lại nhưng không được thông báo. Đáng nói là họ nhiều lần giả mạo chữ ký của vợ tôi để trục lợi. Hay như gia đình hộ Vũ Thị Tơ hiện không có hộ khẩu tại xã nhưng vẫn được hỗ trợ phân bón và cây giống. Khi chúng tôi biết được vụ việc sai phạm này, 2 ông trưởng thôn các nhiệm kỳ là Tôn Xuân Hồng và Trần Văn Khánh đùn đẩy trách nhiệm cho nhau” – ông Đoàn Thanh Tú (ngụ thôn 4) bức xúc.
Ông Tạ Đủ (ngụ thôn 2) – người cung cấp bằng chứng sai phạm của ông chủ tịch xã K’Xuân Riêng và thôn trưởng thôn 2 Đặng Thành Hiệp về việc chi không đúng đối tượng đối với 23 hộ dân, gây thất thoát hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 30A và 135 – cho biết liên tục bị chính quyền xã làm khó dễ. “Trong chuyện này, gia đình tôi không bị ảnh hưởng gì nhưng do thấy người dân ở đây khổ cực quá, chính quyền xã chi cấp sai đối tượng mà không biết kêu ai nên tôi làm đơn giúp họ. Vì vậy mà tôi bị cô lập, làm khó dễ” – ông Tạ Đủ nói.
Hỗ trợ, đầu tư sai hơn 550 triệu đồng
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hanh, Chánh Thanh tra huyện Đạ Huoai, cho biết sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, UBND huyện đã thành lập đoàn thanh tra. Kết quả xác minh trực tiếp với 23 hộ dân cho thấy có 7 trường hợp sai phạm tương ứng với số tiền 29,52 triệu đồng. Cụ thể, 3 hộ gia đình được hỗ trợ sản xuất trên diện tích đất lấn chiếm trái phép tại thôn 2 (Trương Văn Nghĩa, Dương Văn Huân, Vũ Thị Tơ) tương ứng số tiền 21,6 triệu đồng; 4 hộ được hỗ trợ vượt định mức. Ngoài ra, 2 hộ (Dương Văn Huân, Đặng Thành Hiệp) có hành vi tự ý chuyển phân bón của gia đình được hỗ trợ sang cho hộ Nguyễn Thị Tân (thôn 2) với số tiền gần 6 triệu đồng… Kết quả này không được người dân đồng ý, họ tiếp tục có đơn khiếu nại yêu cầu thanh tra toàn diện từ năm 2009 đến nay. Vì vậy, Thanh tra huyện đã đề xuất UBND huyện đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2016.
Cũng theo ông Hanh, kết quả thanh tra ngày 15-7-2016 cho thấy 101 hộ gia đình, cá nhân đã được đầu tư hỗ trợ sản xuất có sai sót với số tiền hơn 550 triệu đồng. Thanh tra huyện đã ban hành kết luận, kiến nghị UBND huyện giao Phòng Nội vụ xử lý trách nhiệm đối với ông K’Xuân Riêng và các cá nhân có liên quan; đồng thời thu hồi số tiền đã hỗ trợ, đầu tư sản xuất sai sót.
“Về thông tin phân bón hỗ trợ kém chất lượng, Thanh tra huyện Đạ Huoai chưa nắm được. Chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, nếu đúng vậy sẽ xử lý ngay” – ông Hanh khẳng định.
“Nó thuê báo tới làm rùm beng…”
Trước đó, khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với ông K’Xuân Riêng để có cái nhìn đa chiều. Tại cuộc trao đổi, sau khi kiểm tra kỹ giấy giới thiệu của phóng viên, ông K’Xuân Riêng gọi rất nhiều cuộc điện thoại với nội dung: “Thằng Tạ Đủ nó thuê Báo Người Lao Động tới làm rùm beng hết lên, giờ em xin ý kiến chỉ đạo của anh…”, sau đó từ chối cung cấp thông tin.
Đình Thi (Báo Người Lao Động, 01/09/2016)