“Để giữ được rừng thông già này, doanh nhân như tôi đôi lúc cũng phải làm … giang hồ đó! Đầu tư vào đây tính đến giờ này cũng trên dưới 50 tỷ rồi, giống như xây giấc mộng dài…”, ông Nguyễn Trường Giang, chủ nhân khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đasar Lâm Đồng tâm sự.
Rời bỏ công việc kinh doanh đang ăn nên làm ra của gia đình, Giang bỏ phố lên rừng, tìm đến một thung lũng yên bình bên con suối róc rách của vùng đất Đasar, Lạc Dương, gây dựng nên bức tranh sơn thủy mơ ước của riêng mình.
Ở đó chỉ có những cánh rừng thông hùng vĩ bạt ngàn, hồ nước bình yên thơ mộng và cánh đồng hoa cẩm tú, vườn hồng, đồi dâu mờ ảo giữa sương mù…
10 năm gìn giữ từng gốc thông già, chiến đấu với nạn phá rừng còn hơn cả … giang hồ!
Chàng “người rừng” ấy đã trả giá cho không ít mất mát, kể cả tiền bạc lẫn cuộc sống riêng tư, để mang lại cho du khách những phút giây nghỉ ngơi thư giãn, thực sự trở về với người bạn thiên nhiên
Vì sao công việc kinh doanh bất động sản, làm siêu thị ở Sài Gòn đang tốt đẹp, anh lại … bị rừng hớp hồn đến nỗi không về lại phố thị nữa?
Bạn phải lên đây vài ngày, đi đến mỗi góc rừng, nghe tiếng thông reo, tiếng chim hót ríu rít, nhìn bình minh và hoàng hôn trôi qua mỗi ngày mỗi lạ, thả lỏng, thư giãn hoàn toàn, ngửi mùi của rừng… mới cảm nhận được trái tim mình xúc động đến thế nào.
Tôi không biết diễn tả thế nào, nhưng ở cùng thiên nhiên sướng lắm. Tôi cũng đâu có già, cũng từng ham cà phê với bạn bè, vui niềm vui phố thị.
Cùng cái bàn đó sáng ngồi ngắm sương mù, trưa thấy nắng lên, chiều về hoàng hôn xuống… thấy kỳ diệu lắm, một sức quyến rũ…vô hình! Như thể mình tìm lại được người bạn thiên nhiên mà lâu lắm mình đã lãng quên.
Đasar đã đón đầu xu hướng nghỉ dưỡng trở về với rừng bằng những sản phẩm độc đáo nào thưa anh?
Tôi mong muốn tạo dựng mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với trang trại để du khách cảm nhận được trái tim của rừng.
Đà Lạt đang bị hâm nóng bởi nhà cao tầng, bê tông hóa, con người chen chúc. Con người đã phải trả giá và bắt đầu thấy giá trị của rừng.
Về cảnh quan thiên nhiên, dù muốn hay không cũng phải giữ rừng bằng mọi giá, vì rừng là linh hồn của Đasar.
Những cây thông đại thụ ở đây đã 50-70 tuổi. Không khí ở đây trong lành lắm. Buổi sáng, buổi tối mùa hè vẫn còn sương, nhiệt độ trung bình ở đây chỉ từ 18 độ C đến 20 độ C.
Từ một nơi rất hoang sơ, tôi phải quy hoạch lại, đào 1,4 hecta làm hồ nước rất vất vả, rồi trồng hoa, trồng cây trái để tạo dựng thêm cho cảnh quan thêm phần hương sắc.
Về kiến trúc, bên cạnh những biệt thự sang trọng, khách còn được thử cảm giác lưu trú qua đêm với khách sạn container đầy đủ tiện nghi dành cho giới trẻ.
Một bãi cỏ xanh mướt trải dài dành cho những đoàn khách tham quan, cắm trại, tổ chức sự kiện…Về buổi tối, bạn có thể cùng gia đình cùng đốt lửa, ăn uống và ca hát giữa không gian mênh mông của đất trời…
Với một hồ nước rộng 1,4 hecta, tôi nuôi cá, cá rất lớn rồi. Buổi chiều sau khi dạo chơi, uống trà nhẹ nhàng, du khách có thể ngồi câu cá trên bờ hồ, nướng ăn tại chỗ. Dưới thác nước kia có một đàn cá tầm lớn từ 20-25 kg/con để du khách ngắm nhìn.
Đasar tiếng dân tộc nghĩa là nguồn nước của rừng, nước ở đây trong lành lắm, cá tằm có thể sống được. Dưới nguồn nước là suối sinh thái, cùng hai máy bơm làm thủy điện, chia sẻ bớt kinh phí cho mình. Một tháng nếu không có trạm điện ấy phải trả 5 triệu tiền điện.
Dưới thung lũng là vườn dưa lưới chạy dài theo mặt hồ. Sáng sáng, du khách có thể theo chân những người nông dân trong làng ra vườn hái chanh, làm cỏ, hái rau trong vườn về luộc ăn ngay, “tự sướng”! Đâu có cần phải làm cái gì cao siêu đâu. Cuộc sống hằng ngày của tôi ở đây cũng vậy đó, chỉ có rau rừng chấm nước tương, cá thì vớt dưới suối,…
Nếu bạn thích trồng cây, sẽ có người hướng dẫn bạn trồng dâu, trồng dưa lưới, hoặc chọn một cây thông con gắn tên bạn, năm bảy năm sau bạn trở lại sẽ tận hưởng cảm giác cây thông ấy lớn như thế nào…
Những trang trại chanh dây, dưa lưới, rau trái xanh tươi của Đasar có tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn oganic?
Tôi không thích cách phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay ở Đà Lạt, lạm dụng nhà kính, lạm dụng hóa học, phá hoại cảnh quan môi trường thiên nhiên và hoàn toàn không phải oganic.
Nhiều nhà kinh doanh lớn đang “đánh lận con đen”, nhập công nghệ Israel về và nói đó là nông nghiệp sạch.
Theo tôi, công nghệ đó chỉ thích hợp với một đất nước không có đất đai, không có nguồn nước. Áp dụng công nghệ Israel cho nền nông nghiệp lúa nước chưa hẳn đã là tốt.
Tôi thích tinh thần của cuốn sách “ Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới.
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ.
Đừng xóa bỏ những gì mình đang có để đi theo xu hướng khác, phá vỡ đất đai và nguồn nước. Đừng để chữ “nông nghiệp công nghệ cao” làm mình… mất hồn! Vì thủy canh suy cho cùng vẫn là dùng hóa học, nếu cây không hút hết chất bón vẫn thải ra ngoài, làm ô nhiễm nguồn nước
Tôi đang mê làm nông nghiệp oganic, tận dụng nguồn cỏ rừng để ủ với phân bò, tạo ra phân bón oganic, chứ không xịt phân thuốc. Trang trại của mình nằm trên cao, có khoảng cách khá xa so với các trang trại khác, xung quanh là rừng và núi, nên cũng không sợ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ nơi khác
10 năm qua hẳn là anh đã trả giá không ít để tạo dựng cơ ngơi thơ mộng và giữ được cánh rừng thông bạt ngàn này?
Đầu tiên gia đình tôi chỉ muốn kiếm miếng đất để lâu lâu lên nghỉ dưỡng thôi, rồi bắt đầu xin dự án 72 hecta, trong đó có 40 hecta là đất rừng, 30 hecta là đất mình mua lại từ từ của dân.
Lúc ấy chủ trương của Lâm Đồng giao rừng cho dân nên xin dự án cũng dễ, nhưng khó nhất là giữ được rừng.
Hồi xưa, nơi đây còn um tùm lắm, chỉ đi vòng vòng biết được ranh giới của mình thôi. Hai, ba năm đầu trầy trật lắm, người dân biết đất đã được giao cho mình, cứ lén lấn đất, chặt cây rừng…
Để giữ được rừng thông già này, doanh nhân như tôi đôi lúc cũng phải làm … giang hồ đó!
Đầu tư vào đây tính đến giờ này cũng trên dưới 50 tỷ rồi, giống như xây giấc mộng dài…
Nhiều người nói tôi chắc thuộc người… tiền sử! mà tiền sử này cũng tuyệt chủng rồi!
Tôi cũng tự hào là cánh rừng này vẫn còn nguyên vẹn so với bao nhiêu cánh rừng khác đã bị tàn phá trơ trụi. Cả cuộc đời tôi cũng chưa chắc gì trồng được một gốc thông đại thụ này, bởi vậy mình quý lắm.
Vợ con anh có chịu lên rừng với anh không?
Tôi cũng trả giá rồi đó, để có được cánh rừng này, mình chấp nhận phải sống cô đơn thôi.
Mình cũng cảm thấy có lỗi với vợ con, nhưng đây là tình yêu, là công việc, là nguồn sống của tôi.
Tôi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh du lịch từ mới hai năm trở lại đây thôi, tất cả chỉ mới là thử nghiệm.
Vậy anh lấy tiền đâu để bù lại những đầu tư liên tục của mình?
Vẫn phải nhờ công ty mẹ ở Sài Gòn thôi. Để giữ rừng, nuôi công nhân trồng trọt, mỗi tháng chi phí trên dưới một trăm triệu.
Cũng nhờ du khách tới đây yêu mến, người nọ giới thiệu người kia, nên Đasar được nhiều người biết tới. Làm kinh doanh tất nhiên phải tính lỗ lời, nhưng thực sự tôi vẫn chưa vừa lòng, vì còn thiếu nhiều mảng xanh lắm.
Giấc mơ của anh là gì?
Đà Lạt thiên nhiên, không khí đã ưu đãi, mình giữ được cánh rừng này đã quý rồi, nhưng phải trồng thêm bông hoa cây cảnh. Đà Lạt mang tiếng là xứ hoa mà thiếu hoa vô cùng.
Tôi muốn khi nhắc tới Đasar là người ta nhớ tới một thung lũng hoa, ở đó sẽ tràn ngập hoa dại và cả những loài hoa riêng có của Đà Lạt. Phải có chỗ cho hoa nghệ nước, hoa cúc dại, hoa chuối rừng mọc chứ. Hãy để cho đất nở hoa…
Nếu mình trồng được những cánh rừng hoa xen lẫn với đá, với suối, đắp thêm cái hồ là đẹp lắm rồi, đâu cần phải xây dựng gì nhiều. Chim thú thì khỏi nuôi, vì chim ở đây hót hàng ngày…
Tôi cũng mơ ước gây dựng một ngôi làng dân tộc ở đây. Con đường ven suối Đasar sẽ dẫn du khách đến ngôi làng của người dân tộc với những mái nhà sàn nương nhờ vào thiên nhiên.
Đây chính là con đường trở về, ở đó có cuộc sống thật sự của dân làng, chính họ sẽ là sứ giả của thung lũng Đasar, tái hiện lại lịch sử và tâm hồn của vùng đất, của con người nơi đây. Du khách sẽ được sống, được ăn ở với dân làng…
Tuy nhiên, vẫn còn vướng một ngôi nhà kính của người Kinh ở bên kia thung lũng, phải tìm cách thuyết phục họ bán lại cho mình, nếu không sẽ phá vỡ cảnh quan của ngôi làng. Tôi hy vọng 5 năm nữa giấc mơ sẽ hiện hình một cách sống động.
Vấn đề là mình phải nghiên cứu kỹ đối tượng mình phục vụ là ai để tập trung tạo ra những dịch vụ độc đáo, chứ làm du lịch theo kiểu đại trà thì tôi không thích, vì người yêu thiên nhiên thì ít, người phá thiên nhiên thì nhiều.
Tôi thích làm du lịch kiểu homestay, những ngôi nhà cây cỏ trong rừng, chẳng cần nhiều xây dựng cơ sở hạ tầng, sáng ra chỉ cần mở cửa là sương mù, tiếng chim tràn vào rồi.
Thách thức lớn nhất với anh bây giờ là gì?
Là tài chính và con người. Doanh nghiệp nào cũng phải vay ngân hàng, nhưng nguồn khách hiện tại vẫn còn chậm, thường tập trung vào cuối tuần.
Khởi nghiệp cực lắm, khách lên rầm rộ cũng không đủ người phục vụ, vì sức chứa của mình chỉ vừa đủ thôi. Khách nhiều quá cũng làm mất đi sự yên tĩnh nơi đây.
Nhân viên 18 người, gồm các bạn dân tộc và các anh chị làm cây xanh, nhưng do không gian mình quá rộng, nên quản lý cũng mệt lắm.
Để chuẩn bị cho con đường 5 năm tới, tôi đã tuyển một nhân viên tốt nghiệp ngành sinh học để nghiên cứu những loài hoa đẹp nhất có thể sống dưới tán rừng thông.
Anh Hòa, giám đốc phụ trách sale và marketing nhiều kinh nghiệm từ tập đoàn DHL cũng về đây, giúp tôi rất nhiều để nâng tầm doanh nghiệp lên một bước mới.
Thực sự, để anh em gắn bó với mình, phải tìm được người cùng chung đam mê, sở thích. Kiếm được người tài chấp nhận ở rừng với mình hiếm lắm, đếm trên đầu ngón tay.
Anh Hòa chấp nhận xa gia đình, về đây gắn bó với rừng già, rồi yêu luôn mảnh đất này. Anh ấy nói với tôi: “ Mình thích thì mình làm thôi, còn mức lương không quan trọng”. Dù anh không đòi hỏi về mức thù lao, mình cũng phải trả lương xứng đáng.
Nhưng với nhân viên lao động thì khó lắm, họ chỉ vì tiền thôi. Họ sẵn sàng bỏ mình ra đi khi có người khác trả lương cao hơn 3 đến 5 trăm ngàn/ tháng.
Kiếm được người yêu thiên nhiên kết hợp với mình là vô cùng khó, tôi lo nhất là nguồn lực, vì không có người thì mình cũng đâu dám đầu tư tiếp. Tôi thường bị rơi vào tình trạng vừa triển khai dự án thì họ bỏ đi, việc đó xảy ra hàng ngày…
Vậy thẳm sâu trong anh, điều gì giữ anh ở lại rừng?
Là nỗi đau trước nạn phá rừng vô tội vạ, mạnh ai nấy phá từ trên xuống dưới. Chỉ nội ở Đasar này thôi, xung quanh tôi rừng đã bị phá hết rồi. Mình có thể tự hào là “Đồi Cù” của Đà Lạt, vì mất thông là mất Đà Lạt. Nhìn những ngọn đồi lở loét đỏ lừ vì mất màu xanh, mình xót lắm, chẳng lẽ cứ bỏ tiền mua lại thì biết bao nhiêu cho xuể.
Mỗi gốc thông đồng bào dân tộc phá đi trồng được 4 cây cà phê, 400 cây cà phê thì phải phá bao nhiêu gốc thông? Kiểm lâm thì mỏng lắm, dân cứ lén bỏ thuốc vào rễ một tuần cho cây chết đi, làm sao kiểm lâm phát hiện được? Mình mất ăn mất ngủ cũng vì thông, không có bóng mát làm sao mà nói sinh thái được.
Dường như tôi không có máu kinh doanh, mà chỉ làm vì đam mê, sự lãng mạn vẫn kéo mình về phía trước mà không nghĩ nhiều tới đồng tiền. Nhưng tới thời điểm này, để phát triển phải tính toán kỹ mới có đồng ra đồng vô. Nhưng ở đây, công việc chính là niềm vui, nên thấy nhẹ nhàng lắm. Về rừng tinh thần mình lại thoải mái, sức khỏe mình cải thiện rõ rệt, thấy đã lắm.
Kim Yến (Bizlive.vn, 16/9/2017)