Nhiều hộ dân xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đang rơi cảnh điêu đứng vì giống mắc ca họ trồng mặc dù tươi tốt nhưng lại không cho quả. Nguyên nhân do người dân mua phải giống trôi nổi trên thị trường.
Chúng tôi về xã Liên Hà, nơi có những vườn mắc ca được trồng thử nghiệm cách đây 5 năm. Nghe hỏi về mắc ca, ông Nguyễn Việt Hùng, cán bộ nông nghiệp xã lắc đầu ngao ngán: Diện tích thì ngày tàn lụi, năng suất không có, nông dân trong xã đang bắt đầu chặt bỏ dần.
Theo ông Hùng, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, năm 2010, một công ty đã làm việc với UBND huyện, nội dung thỏa thuận trồng, chế biến và thu mua sản phẩm cây mắc ca với từng hộ dân tại khu vực 6 xã vùng Tân Hà cùng cam kết: Đầu tư cho dân 50% chi phí giá cây giống, vật tư và bao tiêu quả mắc ca khi có thu hoạch.
Thực hiện cam kết này, năm 2012, công ty có về UBND xã, đặt vấn đề mua bán cây giống, hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình điểm. Đại đa số cán bộ trong xã quyết định mua từ 50 – 100 cây với giá hỗ trợ 30.000 đồng/cây về trồng thử nghiệm, làm mô hình cho người dân học hỏi. Cứ như thế, toàn huyện đã có 44,5 ha mắc ca được công ty này đầu tư cho dân trồng tại xã Liên Hà (23 ha) và một số các xã khác như Tân Thanh (7 ha), Đan Phượng (3,5 ha), Tân Hà (11 ha).
Tham quan vườn mắc ca 5 năm tuổi của ông Hùng, chúng tôi nhận thấy vườn mắc ca của ông phát triển rất xanh tốt, cây nào cũng cao vút nhưng tuyệt nhiên rất ít trái. Qua trao đổi, ông Hùng tỏ ý nghi ngờ chất lượng cây giống. Theo ông Hùng, thời điểm nhận cây giống, cán bộ trong xã đã nhận thấy dù là cây mắc ca ghép nhưng các mắt ghép rất sơ sài, dường như không đúng yêu cầu kỹ thuật và cũng không thể nào nhận biết được mắt ghép trên có phải là chồi chuẩn hay không? Chính vì mập mờ từ khâu chọn giống ban đầu mà giờ nông dân trong xã phải điêu đứng vì trồng phải mắc ca “điếc”.
Tương tự, vườn cà phê xen mắc ca của anh Nguyễn Văn Thọ, cán bộ văn phòng UBND xã Liên Hà, cây mắc ca cũng chỉ toàn cành với lá, rất hiếm trái đậu. Anh Thọ cho biết: Đợt năm 2012, anh cũng lấy gần 200 cây giống mắc ca về trồng thử nghiệm. Lúc mới trồng đã có gần 40% cây bị chết, số còn lại thì cành khẳng khiu, cứ cao vút không phát tán, cũng chẳng có trái. Trong năm vừa qua, anh Thọ thu về được hơn 100 kg hạt, tính ra mỗi cây tầm 1 kg hạt, bán ra được chục triệu đồng.
Ông Trần Đức Xuân, Bí thư thôn Liên Hà 2 bức xúc: “Lúc nhận cây giống chúng tôi ai cũng hồ hởi, nào là sau 3 năm cho trái bói, mỗi cây chục kg, rồi được công ty đầu tư, thu mua. Nhưng rồi hiệu quả kinh tế thế nào thì đã quá thấm thía!”.
Theo ông Xuân, để có một ha mắc ca, cần số tiền trên 20 triệu đồng mua cây giống. Rồi phải bón phân, chăm sóc suốt quãng thời gian 5-6 năm mới biết được cây có ra quả được không; trong khi, sản phẩm làm ra còn mịt mờ về khâu tiêu thụ. Hiện ông Xuân có hơn 70 gốc mắc ca nhưng mỗi năm thu chưa tới 50 kg hạt, số hạt trên gia đình ông chả buồn đem đi bán, giữ lại chỉ để ăn, cho người thân làm quà biếu. Số gốc mắc ca trong vườn ông Xuân đã nhiều lần tính chặt bỏ nhưng vì chẳng gây hại gì cho vườn cà phê, lại giúp che bóng nên ông giữ lại. Ông Xuân cảnh tỉnh người dân khác phải hết sức thận trọng khi chọn mua giống trồng mắc ca.
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Lâu nay, người dân tự phát đổ xô trồng mắc ca bằng các loại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ vườn ươm của các cá nhân, đơn vị trong vùng, hoặc tự ươm cây làm giống khiến giá hạt mắc ca cao ngất ngưởng và không có một giá nhất định, tạo ra một thị trường ảo. Điều này khiến chúng tôi hết sức lo ngại”.
Theo ông Sơn, mặc dù Sở NN-PTNT đã tuyên truyền, khuyến cáo nhưng người dân dường như phớt lờ những cảnh báo. Điều này sẽ gây ra những hậu quả khó lường về sau. “Người dân đổ xô trồng mắc ca, tôi mong họ hãy tỉnh táo, đừng quá nóng vội, làm theo phong trào, để rồi lại tự mình hại mình”, ông Sơn nói.
Thanh Sa (Báo Nông Nghiệp, 23/08/2016)