Ngày 11/11, UBND huyện Lạc Dương thông tin, trong ngày 10/11 đoàn liên ngành khoảng 80 người, gồm: lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, Phòng Tài nguyên môi trường, chủ rừng và Công an xã Đạ Sar đã vào “đại bản doanh” của thiếc tặc (ở tiểu khu 142, khu vực Núi Cao, xã Đạ Sar) để giải tỏa triệt để các trang thiết bị, nhà chòi, hầm thiếc,… không để các “thiếc tặc” tái hoạt động trở lại.
Trước đó rạng sáng ngày 9/11, lực lượng Công an tỉnh Lâm Đồng và Công an huyện huyện Lạc Dương đã truy quét và giải tỏa bước 1 khu khai thác thiếc trái phép trên. Một lãnh đạo huyện Lạc Dương cho biết, sở dĩ phải giải tỏa lần 2 do đường đi vào bãi thiếc rất khó khăn, các lán trại, hầm thiếc và trang thiết bị của thiếc tặc xây dựng khá kiên cố nên lần này phải huy động máy múc, tăng cường lực lượng để giải tỏa triệt để.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng dùng máy múc đào sâu thêm vào các hầm thiếc và phát hiện “thiếc tặc” giấu nhiều máy móc, thiết bị dùng đào đãi thiếc. Phải mất gần 1h, đoàn công tác đã đưa ra khỏi hầm nhiều bao ni lông loại lớn như: túi đựng áo quần, chăn mùng, nhu yếu phẩm gạo, xoong, nồi, chén, bát, rượu. Tiếp đến là các máy móc như 4 máy nổ, 1 máy phát điện, máy khoan bê tông, mô tơ, quạt gió, bình hơi, máy cắt, máy hàn, bóng đèn và dây điện, cùng hàng trăm lít xăng, dầu.
Tất cả số hàng này đều được lực lượng chức năng tiêu hủy ngay tại chỗ. Riêng đường hầm thiếc do rộng và sâu cả 100m khoét sâu vào thân núi, UBND huyện Lạc Dương đã giao Ban Chỉ huy quân sự huyện khảo sát và xây dựng phương án đánh sập hầm trong tháng 11.
Khu vực “đại bản doanh” của “thiếc tặc” tại Núi Cao, thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim quản lý được biết đến là điểm nóng khai thác thiếc trái phép tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do khu vực trên thiếc có nhiều, đường đi hiểm trở nên tình trạng khai thác thiếc trái phép hoạt động phức tạp bất chấp lực lượng chức năng truy quét, giải tỏa nhiều lần.
Chính Thành (Báo Lâm Đồng, 12/11/2017)