Sau chuyến hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc vừa qua, cây sầu riêng Lâm Đồng có cơ hội để thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
• CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG SẦU RIÊNG VỚI DIỆN TÍCH 150 HA
Qua gần bốn năm đàm phán giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, kết quả vào ngày 11/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng tươi xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 14.432 ha, trong đó 8.894 ha trồng xen với các loại cây công nghiệp, 5.538 ha chuyên canh. Hiện, diện tích sầu riêng Lâm Đồng trong thời kỳ kinh doanh khoảng 7.000 ha với các giống ghép chủ yếu là MonThong, Ri6…, đạt tổng sản lượng khoảng 99.364 tấn/năm. Những vùng trồng sầu riêng tập trung phần lớn diện tích tại các huyện Đạ Huoai (4.345 ha), Di Linh (3.693 ha), Bảo Lâm (2.544 ha), Đạ Tẻh (1.625 ha); phần diện tích còn lại trồng tại huyện Đam Rông, Lâm Hà và thành phố Bảo Lộc. Tính riêng diện tích sầu riêng được cấp giấy Chứng nhận VietGAP đạt hơn 900 ha; phát triển 17 chuỗi liên kết sản xuất 645,8 ha diện tích sầu riêng gắn với tiêu thụ, thu hút 411 hộ tham gia, đạt sản lượng đạt 13.810 tấn; hiện đã có 23 tổ chức, cá nhân được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”.
Đặc biệt, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Long Thủy tọa lạc trên địa bàn xã Lộc An, huyện Bảo Lâm là một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sầu riêng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự án liên kết chuỗi vào ngày 28/7/2020. Qua hơn 2 năm triển khai, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Long Thủy đã xây dựng thành công chuỗi liên kết với 95 hộ trồng sầu riêng tại địa bàn các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, đồng thời trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được cấp 1 mã số vùng trồng với diện tích 150 ha và 1 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện tại, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 2 cơ sở được cấp mã số đóng gói và 1 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 150 ha.
• LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG
“Xác định tiềm năng, giá trị và điều kiện thuận lợi của cây sầu riêng trên đất Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp để phát triển sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, cũng như định hướng thị trường, ổn định đầu ra. Là đơn vị trực tiếp triển khai các giải pháp phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thực hiện các yêu cầu, điều kiện cần và đủ để xuất khẩu sầu riêng ngay từ khi các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán đến khi chính thức ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch…”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu chia sẻ.
Theo ông Trương Hoài Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, với tổng diện tích 2.660 ha, sản lượng hàng năm gần 18.640 tấn, cây sầu riêng huyện Bảo Lâm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là một cơ hội lớn nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng chuỗi giá trị liên kết giữa Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Long Thủy với người nông dân địa phương. “UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục hỗ trợ nguồn lực tài chính, chuyên môn để mở rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng giữa Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Long Thủy với các hộ nông dân trên địa bàn… ”, ông Trương Hoài Minh cho biết.
Nhìn lại trong 2 năm 2020 – 2021 vừa qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, thị trường xuất khẩu sầu riêng tiểu ngạch sang Trung Quốc bấp bênh, nhiều chuyến hàng phải hủy giữa chừng, dẫn đến thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp và người sản xuất ở Lâm Đồng. Đến nay được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở ra điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển bền vững sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện Bảo Lâm nói riêng, toàn tỉnh nói chung. Vì vậy, trong hành trình “đi xa” xuất khẩu sầu riêng trong thời gian tới, cần sự đồng lòng, hợp tác và quyết tâm “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Văn Việt (Báo Lâm Đồng)
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202209/khi-sau-rieng-xuat-khau-chinh-ngach-3137194/