Dịch Covid-19 đang làm ngành nuôi cá tầm trong tỉnh Lâm Đồng chưa hết khó khăn thì cá tầm Trung Quốc giá rẻ nhập lậu khiến các doanh nghiệp thêm phần khó khăn. 

Khoảng 2 tháng nay, cá tầm Trung Quốc được thương lái đưa về với số lượng lớn. Chưa bàn tới chất lượng, giá cá nhập lậu chỉ khoảng 130-140.000 đồng/kg khiến người nuôi cá tầm tại tỉnh nhà thật sự bất an. 

Ông Khuất Duy Vinh, người nuôi cá tầm tại huyện Lạc Dương, cho hay hiện còn nhiều sản lượng cá chưa thể xuất bán do bị cạnh tranh bởi cá ngoại nhập

Giá đột ngột hạ thấp

Là thủ phủ nuôi cá tầm của 5 tỉnh Tây Nguyên (chiếm 60 – 70% sản lượng), Đà Lạt và vùng phụ cận như mọi năm đã bước vào cao điểm thu hoạch cá số lượng lớn nhất để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2021. Tuy nhiên, trái với không khí vui tươi thu hoạch ngày cuối năm, các doanh nghiệp và hộ nuôi cá tầm nhỏ lẻ đang lao đao vì giá đầu ra loại cá này giảm đột ngột.

Ông Hoàng Văn Huy (45 tuổi, ngụ xã Lát, huyện Lạc Dương), hộ nuôi cá tầm nhỏ lẻ với sản lượng khoảng 10 tấn cá tầm/năm cho biết: Hiện tại, số cá sắp tới tuổi thu hoạch khoảng 2 kg/con chưa biết xuất đi đâu do các nơi tiêu thụ trước đây thông báo tạm thời ngừng tiêu thụ. Dò hỏi qua một số bạn hàng, tôi mới được biết hai tháng nay, cá tầm từ Trung Quốc vào Lâm Đồng và các tỉnh khác rất nhiều, giá bán ra chỉ khoảng 130.000 tới 140.000 đồng. Trong khi giá cá tầm trong nước nói chung và tại Lâm Đồng nói riêng nhiều năm nay luôn ở mức thấp nhất là 200.000 đồng/kg, nhiều thời điểm ở mức 230.000 – 240.000 đồng/kg bởi chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng hơn. Nếu hạ giá bán thì người nuôi sẽ lỗ nặng nhưng tiếp tục nuôi thì vừa tốn thêm chi phí lại vừa không có vốn để xoay vòng cho lứa nuôi mới.

Ông Huy cho hay mấy hôm nay đã đi khắp nơi tìm nơi tiêu thụ nguồn cá mới nhưng vẫn chưa có ai nhận thu mua với giá cũ.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH MTV Thủy hải sản Trường Toàn có trang trại nuôi cá tầm rộng 3 ha ở Đà Lạt cho biết, những năm trước, đến thời điểm này, cơ bản Công ty đã bán hết cá thương phẩm, nhưng năm nay vẫn còn tồn đọng gần 200 tấn cá do sức tiêu thụ chậm. Tình trạng này khiến công ty gặp không ít khó khăn do cá không bán được nhưng vẫn phải chăm sóc, riêng tiền thức ăn cho cá mỗi ngày đã mất 60 triệu đồng.

Theo những người nuôi cá tầm địa phương, do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong thời gian qua, người nuôi cá tầm cùng với các ngành nghề khác gặp khó khăn hơn các năm trước. Tuy nhiên, việc cá tầm nhập từ Trung Quốc bán với giá rất rẻ tác động mạnh tới hoạt động nuôi cá của người dân.

Do phải cạnh tranh, nhiều người nuôi cá tầm trên địa bàn phải hạ giá bán xỉ xuống thấp hơn, còn khoảng 140.000- 150.000 đồng/kg nhưng sức tiêu thụ được ghi nhận vẫn chậm. Điều đáng lo ngại hơn, do chất lượng cá tầm nhập lậu không bằng cá nuôi trên địa bàn tỉnh nên một số thương lái trộn cá tầm nhập lậu và cá địa phương để bán để lừa người mua. Trong khi, việc nhận biết được cá tầm nhập lậu hay không đối với hầu hết người dân là chuyện không phải dễ dàng.

Người nuôi cá tầm tại Lâm Đồng đang gặp khó khăn lớn khi cá tầm nhập lậu chất lượng thấp đang xuất hiện tràn lan trên thị trường với giá rất rẻ

Kiến nghị Thủ tướng xem xét

Trước thực trạng nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đình An cho biết: Ông vừa đại diện cộng đồng nuôi cá tầm Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ có hay không việc quản lý lỏng lẻo, lợi dụng kẽ hở pháp luật để nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc.

Theo ông An, trong thời gian qua, cá tầm Trung Quốc nhập chính ngạch và nhập lậu ồ ạt, bán với giá thấp khiến người nuôi cá tầm trong nước điêu đứng. Trên thực tế, phần lớn cá tầm nhập từ Trung Quốc chỉ qua đường tiểu ngạch. Bởi, tại Việt Nam, muốn nhập khẩu cá tầm phải có giấy phép của Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, đơn vị này chưa cấp phép nhập khẩu trường hợp nào. Do đó, cá tầm Trung Quốc có mặt trên thị trường đều nhập lậu, không qua kiểm dịch đúng quy định và trà trộn trên thị trường còn gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Theo ông An, nhiều hiệp hội nuôi nước lạnh các tỉnh trong nước cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan về việc đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu cá tầm sống làm thực phẩm để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản nước lạnh tại địa phương.

“Cá tầm Trung Quốc nhập lậu có chất lượng thấp và giá chỉ bằng 60 – 70% cá tầm nuôi tại Việt Nam. Đây là một thách thức lớn đối với người nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh. Nếu các bộ, ngành không khẩn trương siết chặt việc nhập lậu cá tầm vào Việt Nam thì ngành cá tầm trong nước và tỉnh Lâm Đồng sẽ lao đao trong thời gian tới” – ông An phân tích.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng cho biết, diện tích nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 vào khoảng 50 ha. Trong đó, diện tích ao, bể thực tế nuôi cá khoảng 95.000 m2, với 50 trang trại, doanh nghiệp và hộ, gia đình. Sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng ước đạt từ 1.200 – 1.400 tấn/năm và chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và tại thị trường TP Hồ Chí Minh.

Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết, đến cuối năm 2020, có khoảng 300 tấn cá tầm không xuất bán được do sự cạnh tranh giá từ cá tầm Trung Quốc giá rẻ.

Chính Thành (Báo Lâm Đồng)

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/lao-dao-vi-ca-tam-nhap-lau-3037916/