Từ thiện, trong suy nghĩ nhiều người, là cho đi. Mặc định theo cách này, không ít mạnh thường quân đã vô tình phá hỏng cuộc sống của người khác thông qua cái cách cho đi vô điều kiện. Giúp đồng bào nghèo thay đổi cuộc sống từ chính năng lực nội tại của họ, đó chính là kiểu từ thiện bền vững mà một nhóm bạn trẻ vừa thử nghiệm tại thôn Đưng Trang (xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Hội chợ mini” là trung tâm của buổi giao lưu gặp gỡ giữa nhóm thiện nguyện đến từ Sài Gòn và dân bản Đưng Trang, vừa diễn ra vào giữa tháng 12/2019. Dù chỉ thô sơ vài món vải thổ cẩm, đồ gia dụng đan lát và mấy lít mật ong rừng, nhưng phiên mua bán cũng đã trở nên rất sôi nổi suốt một chiều cuối năm với các màn ra giá, trả giá, giao kết thương mại giữa người miền núi với người miền xuôi.
Cầm trên tay xấp tiền 800 ngàn đồng, người phụ nữ K’Ho đang địu đứa con thơ ngủ trên lưng cho biết đây là lần đầu chị bán được sản phẩm tự tay mình làm ra ngay tại ngôi làng của mình. “Trước đây chỉ dệt để mặc thôi. Bây giờ có người mua vui lắm. Mình sẽ dệt nhiều hơn để bán lấy tiền”, chị nói.
Giá mỗi tấm thổ cẩm được thu mua từ 600 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng, tùy theo chất lượng, diện tích và mẫu mã. Để làm ra mỗi tấm thổ cẩm, một người phụ nữ K’Ho bỏ công khoảng 3-4 ngày. Như vậy, mức thu nhập này cũng là đáng kể so với các mặt hàng khác.
Trong khi đó, gùi mây tre được mua từ 300-500 ngàn đồng mỗi chiếc. Với mật ong rừng, giá bán dao động từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng/lít.
“Trong chuyến đầu tiên này, đoàn đã chi tổng cộng 15 triệu đồng để thu mua hàng hóa của bà con. Dù chưa phải là nhiều, nhưng chúng tôi tin là hoạt động này sẽ kích thích bà con tăng gia sản xuất, giúp họ nhận thấy giá trị của sự lao động”, chị Bùi Hoàng Diệp, Trưởng đoàn thiện nguyện cho biết.
Là một doanh nhân ở TP HCM, chị Bùi Hoàng Diệp đã chứng kiến rất nhiều mô hình làm từ thiện quen thuộc ở mảnh đất giàu nghĩa tình này. Theo chị, nhiều người cứ gom tiền bạc, hàng hóa lại rồi chở đi cho. Nếu là trong tình huống cấp bách như cứu trợ người dân vùng thiên tai thì phù hợp, còn mang cho những người dân đang sinh sống bình thường thì sẽ phát sinh tác dụng ngược.
Chị Trương Thị Thanh Mai (xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt), người kết nối đoàn từ thiện với chính quyền xã Đưng K’Nớ để tổ chức chuyến từ thiện này, nói: “Chúng tôi tìm kiếm một thôn bản thực sự ở vùng sâu, giao thương cách trở, để thử nghiệm mô hình từ thiện này. Chở hàng và mang tiền đến cho không thì dễ quá, nhưng làm như vậy e rằng không tốt cho bà con. Tâm lý con người nói chung, được hưởng miễn phí thì sẽ sinh ra chủ quan, lười biếng. Qua hoạt động thu mua lần này, tin chắc rằng bà con thôn Đưng Trang sẽ có cảm hứng để sản xuất nhiều hơn các mặt hàng thủ công có giá trị để sẵn sàng cho “hội chợ” lần sau.
Thực tế, ngoài trọng tâm của chuyến từ thiện là “hội chợ giao thương”, nhóm bạn Hoàng Diệp cũng mang tới 33 phần quà cho 33 hộ dân của thôn. Các phần quà gồm gạo, cá khô, dầu ăn, hạt nêm…, tổng trị giá 15 triệu đồng. Đổi lại, bà con trong thôn đã tổ chức thết đãi đoàn bằng một bữa cơm rau rừng, măng, gà của người bản địa.
Có mặt trong buổi giao lưu kết nối thương mại, Phó Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, ông Bon Niêng Ha Dông vui mừng cho biết hoạt động này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của thôn khi được duy trì, đồng hành lâu dài. Chính quyền xã rất trân trọng trước cách tổ chức hỗ trợ của đoàn. “Về phía người dân, cán bộ xã sẽ động viên, khuyến khích bà con làm ra những sản phẩm tốt, đúng chất lượng, phát huy các giá trị truyền thống sẵn có để mang lại hiệu quả thương mại bền vững”, ông Bon Niêng Ha Dông nói.
Theo chị Bùi Hoàng Diệp, nhóm từ thiện sẽ đồng hành cùng thôn Đưng Trang trong một thời gian để kiểm chứng hiệu quả của cách làm mới. Nếu thành công, nhóm sẽ nhân rộng ra các địa bàn khác ở Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung.
Đoàn Quý Lâm (Báo Lâm Đồng, 09/01/2020)
Link: http://baolamdong.vn/doi-song/202001/mo-hinh-tu-thien-kieu-moi-o-dung-trang-2982609/