Sau nhiều ngày đắn đo, bà Vũ Thị Mừng nghẹn ngào ký tên đồng ý hiến tạng của con trai để cứu sống 6 bệnh nhân đang mắc bệnh hiểm nghèo.
Thế nhưng, sự hy sinh của người mẹ ấy lại bị nhiều người trong làng, ngoài xóm chê bai, dè bỉu. Họ nói bà ham tiền nên bán nội tạng của con trai mình. Sự cay độc đó đang bào mòn thể xác lẫn tinh thần của người mẹ giàu lòng nhân ái.
Cho đi để con được tiếp tục sống
Đang loay hoay ngoài vườn, bà Vũ Thị Mừng (58 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) ngạc nhiên khi có khách đến thăm nhà. Bà vội rửa đôi bàn tay đầy đất rồi mời PV vào nhà. Bên ly trà nóng, bà Mừng nước mắt ngắn dài khi nhắc đến cậu con trai xấu số: “Nhà có mấy sào đất làm vườn, trồng được vài cây cà phê, bắp nếp nên ai thuê gì tôi cũng làm. Tôi có 4 người con, 3 đứa ở đây làm thuê cùng mẹ thì không sao. Đứa duy nhất đi xa thì gặp tai nạn qua đời. Chồng tôi mất 7 tháng thì con trai tôi cũng qua đời. Người thân, ai cũng bần thần. Không hiểu sao, tôi lại đủ bình tĩnh để ký tên hiến tạng”.
Có lẽ, công việc y tá trong quân đội đã hun đúc cho bà sự bình tĩnh và thấm nhuần tư tưởng san sẻ, hy sinh cho mọi người. Năm 1982, bà vào Lâm Đồng sinh sống và lập nghiệp. Sau đó, bà chuyển qua làm y tá cho xí nghiệp chè. Vì lương không cao nên bà làm thuê đủ kiểu để nuôi các con ăn học. Đến tuổi về hưu, các con bà trưởng thành, tiếp tục guồng quay mưu sinh để tự lo lấy cho bản thân. Ngoài 3 người con không muốn xa mẹ, anh Trần Vũ Minh Qu., con trai lớn của bà Mừng lại xin mẹ xuống Bình Dương làm công nhân. Thế nhưng, chưa tròn năm, 2h sáng 27/8/2015, bà nhận được tin con trai gặp nạn.
“Tôi nhận được tin liền khoác vội chiếc áo rồi bảo con trai thứ lấy xe máy chạy đi ngay trong đêm. Tôi ngồi sau mà cứ nắm chặt tay cầu nguyện cho con trai qua khỏi cơn nguy kịch. Lúc tôi đi, nhà không có tiền, tôi chỉ mang theo vài trăm ngàn đồng. Trên đường đi, tôi gọi điện nhờ em gái dưới Bình Dương đến chăm sóc Qu., đồng thời mang cho tôi vay tạm vài triệu đồng để lo chạy chữa cho con. Đúng 6h sáng, mẹ con tôi xuống tới bệnh viện ở Bình Dương. Lúc này, Qu. nằm bất động, hôn mê sâu. Tôi nhào tới nắm lấy đôi bàn tay lạnh ngắt của con mà gào khóc. Như cảm nhận được nên nước mắt nó cứ ứa ra. Sau đó, tôi xin chuyển con lên bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM”, bà Mừng nghẹn ngào nhớ lại.
Theo bà Mừng, bạn bè Qu. kể lại rằng, Qu. bị té ngã từ tầng 3 của khu nhà ở dành cho công nhân. Trước đó, anh Qu. gặp nhiều cú sốc tình cảm, đặc biệt là anh không chịu đựng được sự mất mát quá lớn sau khi bố qua đời. Đêm Qu. gặp nạn, mọi người đi ngủ, Qu. không ngủ được nên ra ngoài ban công. Đến khi nghe tiếng động bất thường, mọi người tỉnh dậy thì đã muộn. “Ngay từ đầu, bác sỹ của bệnh viện Chợ Rẫy tiên lượng tình trạng sức khỏe của con tôi rất xấu. Họ có thông báo sau phẫu thuật mà Qu. không tỉnh dậy thì khó mà qua khỏi. Ngày thứ 5 trong phòng chăm sóc đặc biệt, bác sỹ và nhân viên của đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người bệnh viện Chợ Rẫy có đến trình bày về tình trạng của Qu.. Họ nói con tôi đã bị chết não, không thể qua khỏi. Từ đó, họ vận động và đề nghị tôi ký tên chấp nhận hiến tạng của con để cứu sống những người khác”, bà Mừng nghẹn ngào nhớ lại.
Sau thời gian bần thần tiếp nhận thông tin sức khỏe của con, bà Mừng tự trấn tĩnh. Bà bắt đầu suy nghĩ về đề nghị của các bác sỹ thuộc đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người. “Đầu tiên, tôi hỏi ý kiến các em của Qu.. Mấy đứa rất buồn nên vừa nghe qua có phản ứng không tốt. Bà con nội ngoại hai bên, ai cũng phản đối. Mọi người bảo ai lại để cho con trai chết không toàn vẹn cơ thể. Nghe đến đó, tôi cũng chạnh lòng. Tôi suy nghĩ suốt hai ngày liền, cuối cùng, tôi ngộ ra, con tôi sẽ không qua khỏi. Trong khi những người khác còn có cơ hội được sống tại sao tôi không tạo điều kiện cho họ. Mặc dù con tôi mất đi nhưng trên cõi đời vẫn còn lưu lại một phần cơ thể của nó, như thế con tôi sẽ được tiếp tục sống”, bà Mừng bộc bạch.
Sự cay nghiệt của miệng đời
Sau cái gật đầu của bà Mừng, anh Qu. trở thành người đầu tiên hiến đa tạng ở tỉnh Lâm Đồng và là trường hợp người hiến nhiều phần nội tạng, cứu sống được nhiều người nhất ở Việt Nam. Sau đó, bà Mừng bùi ngùi nhận thông báo của bệnh viện là tim, gan của anh Qu. được vận chuyển vượt hơn 2.000km từ bệnh viện Chợ Rẫy đến bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Một phần cơ thể của Qu. đã cứu sống hai bệnh nhân. Hai giác mạc, hai quả thận cũng được cấy ghép cho 4 bệnh nhân ở TP.HCM. Tất cả người nhận đều hồi phục sức khỏe rất nhanh. Và bà Mừng cũng nhẹ nhõm hơn khi quyết định của bà đã cứu được nhiều người. Lúc này, bà con, gia đình cũng phần nào hiểu và thông cảm trước quyết định quá đỗi khó khăn mà bà Mừng phải đưa ra trong thời khắc đó.
Sau tất cả, bà mang tro cốt của anh Qu. về gửi vào chùa ở gần nhà. Bà luôn đau đáu và mong mọi điều tốt đẹp đến với những bệnh nhân đang gìn giữ máu thịt của con trai. Mỗi ngày, bà lại vác cuốc ra vườn vun lại luống rau, tỉa thêm ít bắp… để nỗi buồn vơi đi. Ấy vậy, tấm lòng cho đi không cần nhận lại của bà lại bị người trong thôn xóm hiểu sai lệch. “Họ nói tôi nghèo đói nên đem nội tạng của con đi bán. Người ta đồn thổi với mỗi bộ phận của con trai, tôi bán từ mấy trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Làm sao có chuyện đó được. Con tôi hiến tạng tại bệnh viện hẳn hoi. Tôi và gia đình không ai có bất kỳ thông tin gì của người nhận tạng thì làm sao có việc trao đổi tiền bạc”, bà Mừng bức xúc nói.
Bà cho biết thêm, con bà đã mất gần tròn năm nhưng bà chỉ biết tình trạng sức khỏe của người nhận tạng là rất tốt do bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ trong một dịp lên đây thăm gia đình. Ngay cả tiếng cảm ơn từ các bệnh nhân, bà còn chưa nhận được. Mọi người không hiểu nên cứ bàn ra tán vào khiến bà rất đau lòng. “Người ta nói “hổ dữ không ăn thịt con”, tôi nỡ lòng nào mang máu thịt của đứa con xấu số đem bán? Khi gia đình chấp nhận hiến tạng, mọi chi phí chữa trị của Qu. đều được phía bệnh viện chi trả. Đó là sự chia sẻ, niềm động viên với chúng tôi. Bởi, khi xác định hiến tạng cho người khác, tôi đâu nghĩ đến những quyền lợi mình sẽ nhận lại”, người mẹ này xúc động nói.
Bà N.T.X. (49 tuổi, ngụ xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) sống cùng thôn với bà Mừng thật thà bảo, thực sự, lúc đầu, mọi người không ai tin việc bà Mừng tốt đến mức hiến tạng con trai cho người khác. Ngay cả bà và nhiều người khác đều bàn tán và nghĩ chắc chắn phải có tiền thì bà Mừng mới làm cái chuyện đau lòng như thế. Bản thân bà chưa thấy người mẹ nào lại muốn con mình chết đi mà không được trọn vẹn. Gia đình bà ấy lại nghèo, chồng lại mất, cả nhà đều làm thuê để sống qua ngày. Thế nhưng, theo thời gian, mọi người dần dần thấu hiểu, đồng cảm và khâm phục đức tính hy sinh của bà Mừng.
NGỌC LÀI – HÀ NGUYỄN (Theo Go.vn, 29/07/2016)