Trang trại chim trĩ đỏ ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà thời gian gần đây đã trở thành điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Không chỉ là điểm cho khách tham quan mà hơn 500 con chim tại đây còn được nuôi với mục đích thương phẩm.
Đó là Trang trại chim trĩ của anh Trương Thừa Vũ (30 tuổi), ngụ tại thôn 5, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Được ngành chức năng cấp phép, gia đình anh đã có một trang trại chăn nuôi chim trĩ đỏ với số lượng lên tới 500 con, cho thu nhập cao.
Anh Vũ cho biết, tháng 10/2014, trong một lần tình cờ lên mạng xem thông tin, anh đọc được mô hình nuôi chim trĩ đỏ sinh sản khá độc đáo, lợi nhuận đem về cao hơn nhiều so với chăn nuôi các loại gia cầm khác, anh Vũ lập tức tìm cách liên hệ với một địa điểm chuyên cung cấp nguồn giống đặt mua 35 con chim trĩ, trong đó có 8 con mái. Vào thời điểm đó, mỗi con chim trĩ 1,5 tháng tuổi được anh Vũ mua với giá 400.000 đồng. Đây là loại chim nhưng đặc điểm sinh trưởng, cách chăn nuôi rất giống với gà. Chim trĩ đỏ vừa có thể bay, vừa đậu trên cành và đi kiếm ăn dưới đất như gà. Do đó, anh Vũ dành mấy mét vuông đất sau nhà “quy hoạch”, giăng lưới thép tạo thành chuồng nuôi nốt chim trĩ.
Theo ông chủ trẻ này, so với các loại gia cầm khác, chim trĩ rất dễ nuôi, ít dịch bệnh vì có sức đề kháng cao do chúng vốn là loại động vật hoang dã và không tốn kém thức ăn. Đến tháng thứ 8 thì những con trĩ giống mái bắt đầu sinh sản, đẻ trứng ngay dưới nền đất. Vì chim trĩ đỏ không tự ấp trứng như các loại gia cầm được chăn nuôi phổ biến khác, nên anh Vũ phải đem gửi vào lò ấp trứng. Chim trĩ sinh sản theo mùa, thường mỗi năm hai đợt. Đợt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, đợt hai từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Bình quân mỗi năm, một con chim mái có thể đẻ từ 68-80 trứng. Vùng đất Lâm Hà quanh năm mát mẻ, mùa hè không quá nóng nên rất thuận tiện cho loài chim trĩ đỏ sinh trưởng và phát triển. Anh Vũ còn cho biết, số trứng, thời gian đẻ của chim trĩ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ cho ăn và quản lý vật nuôi. Nếu cho ăn tăng lượng đạm động vật, canxi và sử dụng một số tác nhân phụ có thể cho chim trĩ đẻ 2 quả/ngày hoặc đẻ quanh năm theo ý thích của người nuôi. Tuy nhiên, không nên ép chim trĩ giống đẻ nhiều vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tuổi thọ chim trĩ giống sẽ ngắn lại.
Những quả trứng giống đầu tiên sau 22 ngày anh Vũ gửi vào lồng ấp sau đó đã nở, tỉ lệ đạt tới 80%. Chim trĩ đỏ nhỏ được sưởi ấm bằng bóng điện hoặc đèn sưởi ở nhiệt độ 25 – 27 độ C. Thức ăn của loại chim trĩ là cám viên thường dùng cho gà. Riêng chim trĩ trưởng thành, trong thức ăn được anh Vũ trộn thêm với thóc và một số loại rau xanh khác. Hay tin gia đình anh Vũ có bầy chim trĩ đỏ trông khá lạ lẫm, nhiều người dân địa phương đã tới hỏi mua từ một đến vài cặp về nuôi làm cảnh. Chim trĩ mới nở ra trong vòng một tuần được bán với giá 70.000 đồng/con. Hơn một năm nay, anh Trương Thừa Vũ ngoài bán con giống còn nuôi chim trĩ thịt. Khi trưởng thành, chim trĩ trống nặng tối đa đạt khoảng 1,7 kg, chim mái chừng 1,2 kg. Chim trĩ thịt có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Hiện nay, anh Trương Thừa Vũ đang sở hữu trên 500 con chim trĩ. Anh cũng đã được Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cấp phép cho nuôi chim trĩ nhằm mục đích thương mại.
Chim trĩ có xương nhỏ, lượng thịt nhiều hơn loại gà có cùng trọng lượng. Mặc dù được nuôi dưỡng giống như chế độ của gà công nghiệp, nhưng thịt chim trĩ thường dai, thơm, chắc vì loại chim này thường xuyên vận động, chạy nhảy, bay trong chuồng. Vài năm gần đây, chim trĩ đang trở thành món ăn phổ biến của người dân, nên trang trại của anh Vũ không lúc nào đủ chim trĩ thịt để cung cấp cho các nhà hàng tại Đà Lạt.
Anh Trương Thừa Vũ nói thêm, tuy chính thức bước vào chăn nuôi chim trĩ chưa bao lâu, nhưng so với chăn nuôi các loại gia cầm khác, nuôi chim trĩ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Thời gian dành để chăn nuôi, chăm sóc chim không nhiều, chim ít dịch bệnh mà giá thành lại cao. Hiện nay, với số lượng đàn chim này, mỗi năm anh Vũ thu về gần trăm triệu đồng tiền lãi.
Diễm Thương (Báo Lâm Đồng, 16/09/2016)