Hàng chục hecta đất rừng 135 (đất lâm nghiệp giao để trồng rừng theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ) đã bị “phù phép” để trở thành đất trồng cây nông nghiệp. Điều đáng nói là việc “phù phép” này được cho là có sự tiếp tay của chính những cán bộ làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Công an đang điều tra
Năm 2006, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (ngụ tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc) sang nhượng bằng giấy tay 8,5 ha cà phê tại Khoảnh 2, Tiểu khu 613 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm). Từ đó đến năm 2010, bà Nhung đã chăm sóc vườn cà phê ổn định. Đến tháng 4/2011, UBND xã Lộc Phú có lập biên bản đối với bà Nhung vì cho rằng diện tích nằm hoàn toàn trên đất lâm nghiệp. Biên bản này cũng xác nhận toàn bộ cây cà phê của vườn bà đã cao ngang đầu người lớn, khoảng 3 năm tuổi và bắt đầu cho trái bói. UBND xã yêu cầu bà Nhung phải trồng xen cây lâm nghiệp và không được lấn chiếm nới rộng thêm diện tích mới để tránh việc chặt phá cây rừng.
Tuy nhiên, đến tháng 9/2011, toàn bộ vườn cà phê của bà Nhung bị chặt hết. Bà Nhung cho rằng ông Lê Văn Tú (lúc này đang làm Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri) cho người chặt cà phê với lý do để giải tỏa trồng rừng. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi giải tỏa, ông Tú lại giao đất cho ông Nguyễn Văn Hùng (nguyên là cán bộ kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri) và ông Hùng sau đó đã bán 2 ha cho 2 hộ dân với số tiền 500 triệu đồng, số còn lại 6,5 ha thì lại để một số người khác tiếp tục trồng cà phê. “Nếu Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri giải tỏa cà phê của tôi để trồng lại rừng theo đúng mục đích thì tôi không có bất cứ phản ứng gì. Đằng này, sau khi giải tỏa lại bán đất của tôi đã canh tác ổn định trước đó khiến tôi rất bức xúc. Tôi đã làm đơn gửi các cấp chính quyền huyện Bảo Lâm nhưng không được giải quyết. Từ đó đến nay, tôi đã nhiều lần nỗ lực để lấy lại đất, trồng lại vườn nhưng đều không thành. Do đó, tôi đã làm đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Lâm Đồng yêu cầu giải quyết vụ việc” – bà Nhung cho biết.
Trả lời đơn của bà Nhung, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Lâm Đồng) cho biết: Đối với nội dung tố cáo vi phạm của ông Lê Văn Tú và ông Nguyễn Văn Hùng (nguyên phó ban và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri), Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Lâm Đồng) đã chuyển đơn và hồ sơ xác minh liên quan đến Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Lâm Đồng) để xác minh, điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Cây nông nghiệp lấn át
Theo tìm hiểu, có 24,5 ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 613, xã Lộc Phú được giao khoán cho một người để trồng rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, toàn bộ diện tích này hiện do một số người khác không đúng đối tượng được giao khoán quản lý. Đặc biệt, đất lâm nghiệp được giao khoán theo Nghị định 135 được thực hiện theo hình thức nông lâm kết hợp nhưng trên thực tế thì cây nông nghiệp đang lấn át cây lâm nghiệp. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri, diện tích thuộc Khoảnh 2, Tiểu khu 613 có gần 110 ha thuộc quy hoạch lâm nghiệp với đối tượng là rừng sản xuất. Năm 2012, Ban có giao khoán 6,4 ha đất lâm nghiệp cho ông Nguyễn Văn Hiệu (thường trú tại địa phương) để trồng rừng theo Nghị định 135. Đến năm 2014, do hộ nhận khoán không thực hiện đúng theo phương án, trồng rừng không đủ mật độ theo quy định, trên diện tích gieo trồng rừng còn có trồng xen cây nông nghiệp và cây công nghiệp nên đơn vị đã tiến hành thanh lý hợp đồng đối với hộ nhận khoán này, tổ chức thu hồi đất đã giao theo quy định và thực hiện các biện pháp phục hồi rừng tại khu vực nói trên theo chủ trương chung của tỉnh.
Trên thực tế, một ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm đến khu vực đất của bà Nhung tại Khoảnh 2, Tiểu khu 613, toàn bộ diện tích này hiện đã được trồng cà phê. Có những cây cà phê đang cho thu hoạch, số khác được trồng khoảng 1 – 2 năm tuổi, nhưng cũng có những cây vừa mới trồng. Một vài căn chòi cũng được dựng lên. Theo bà Nhung, từ tháng 4/2018, bà có trồng lại cà phê trên diện tích 6,5 ha nhưng đến tháng 11/2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri tiếp tục giải tỏa 1/4 số cà phê bà đã trồng và để cho nhóm người ở Tân Lâm (Di Linh) tiếp tục trồng đến nay. “Trong lần làm việc tại Công an xã Lộc Phú vào tháng 11/2019, nhóm người này đã đưa ra hợp đồng giao khoán 135 bản photo mang tên ông Nguyễn Văn Hiệu, cũng như giấy tờ mua bán bằng giấy tay giữa ông Hùng với họ để chứng minh phần đất đó thuộc sở hữu hợp pháp của họ” – ông Nguyễn Văn Thiên, người được bà Nhung ủy quyền giải quyết vụ việc, cho biết. Trong khi đó, theo thông báo kết quả giải quyết tố cáo của bà Nhung, Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Hiện nay, diện tích bà Nhung khai của bà đang bị “xã hội đen” chiếm dụng là đất lâm nghiệp thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý nên bất cứ ai lấn chiếm, sử dụng cũng đều vi phạm Luật Lâm nghiệp”.
Theo ông Phan Duy Tâm, Chủ tịch UBND xã Lộc Phú, thời gian qua, xã thường xuyên tổ chức tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng tại các tiểu khu do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý trên địa bàn xã Lộc Phú. Trong quá trình tuần tra đã phát hiện một số hộ dân cưa hạ cây thông, đào xới đất lâm nghiệp để trồng cà phê, một số hộ trồng dưới tán rừng. UBND xã đã yêu cầu các hộ không được tác động. Tuy nhiên, các hộ lại cho rằng đất họ nhận khoán theo Chương trình 135 nên được tác động, do đó gây khó khăn cho UBND xã trong quá trình xử lý vi phạm theo quy định. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng được thuận lợi, xã đã đề nghị Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri bàn giao các hồ sơ giao khoán 135 để xã có cơ sở khi tuần tra và xử lý kịp thời các vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, UBND xã Lộc Phú vẫn chưa nhận được bất kỳ hồ sơ giao khoán 135 nào.
Ông Trương Hoài Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: Từ trước năm 2014, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm đã tiến hành giao khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định 135 với tổng diện tích khoảng 400 ha cho trên 30 hộ dân thuộc địa bàn các xã Lộc Ngãi, Lộc Phú và Lộc Thắng. Hiện tại, UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại việc giao khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định 135 để đánh giá hiệu quả triển khai cũng như làm cơ sở xử lý những vi phạm nếu có.
Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 03/10/2019)