Sáng ngày 15/2, tại khu trung tâm thể thao Thiên Mã (huyện Đa Huoai, tỉnh Lâm Đồng), CLB Cưỡi ngựa mang tên Olympic đã chính thức ra mắt.
Với quy mô trên 300ha cùng các khu chức năng chuyên biệt cho các môn thể thao liên quan đến loài ngựa, khu Thiên Mã đang hướng tới trở thành nơi đào tạo các vận động viên chuyên nghiệp của Việt Nam để tham gia các môn thi liên quan tới ngựa tại các giải thể thao lớn như SEA Games, Asiad hay Olympic.
Theo dự án, trung tâm sẽ xây dựng nhiều khu chuyên biệt như Trường đua ngựa; Trung tâm huấn luyện ngựa; Khu trang trại nuôi và nhân giống ngựa thuần chủng; Khu thú y; Các sân thi Polo, khu trình diễn ngựa nghệ thuật, khu thi đấu vượt rào, khu đua ngựa băng đồng… Tất cả các hạng mục xây dựng sẽ đạt chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, CLB Olympic đã đầu tư mua trên 2000 con ngựa thuần chủng cũng như mở các lớp đào tạo nhân viên chăm sóc, huấn luyện và đua ngựa. Dự kiến CLB cũng sẽ tuyển sinh, lựa chọn những vận động viên có năng khiếu cưỡi ngựa để đưa đi đào tạo chuyên nghiệp tại nước ngoài, hướng tới những thành tích huy chương tại các đấu trường thể thao lớn như SEA Games, Asiad hay Olympic. CLB cũng đang tổ chức vận động để tiến tới thành lập Hiệp hội Cưỡi ngựa Việt Nam, tiến tới đăng ký gia nhập AEF (Liên đoàn cưỡi ngựa châu Á) và FEI (Liên đoàn cưỡi ngựa Quốc tế) để tiếp nhận sự giúp đỡ cũng như giao lưu học hỏi nhằm phát triển môn thể thao này.
Đươc biết, Cưỡi ngựa là một môn thể thao đã hình thành từ rất lâu và rất được yêu thích trên toàn thế giới. Năm 1912, bộ môn này được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức tại Olympic. Năm 1982, bộ môn này cũng được đưa vào thi đấu tại Asiad. Năm 1983, môn Cưỡi ngựa được đưa vào thi đấu tại SEA Games. Hiện Liên đoàn Cưỡi ngựa châu Á AEF đã có 35 quốc gia là thành viên, trong đó khu vực Đông Nam Á có 8 thành viên (chỉ có 3 quốc gia là Lào, Đông Timor và Việt Nam chưa tham gia).
Theo Ban điều hành CLB Olympic, việc ra mắt CLB Cưỡi ngựa sẽ tạo điều kiện cho những người yêu thích cưỡi ngựa tại Việt Nam có cơ hội xem và thi đấu. Ngoài ra việc hình thành hệ thống đua ngựa tại đây cũng như nằm trong chuỗi kế hoạch chuẩn bị cho việc phát triển bộ môn Cưỡi ngựa ở Việt Nam, mục tiêu nhằm hướng tới góp phần đưa thể thao nước nhà hội nhập với thế giới và khu vực.
Chùm ảnh các VĐV thi đấu ngựa vượt chướng ngại vật:
Trọng Thịnh (Báo Tiền Phong, 16/02/2020)
Nguồn: https://www.tienphong.vn/the-thao/ra-mat-clb-cuoi-ngua-olympic-1520067.tpo