300 hộ dân tại khu vực hạ du sông Đồng Nai đã sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nếu xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Kar (tỉnh Đắk Nông).
Thực hiện Công điện khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về nguy cơ cao xảy ra vỡ đập thủy điện Đăk Kar (tỉnh Đắk Nông), UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó với sự cố trên.
Cụ thể, đã có 300 hộ dân tại khu vực hạ du sông Đồng Nai sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nếu xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Kar.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, ngay sau khi nhận được Công điện khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (17 giờ ngày 8/8), UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh khẩn trương thông tin về sự cố ở đập đến các cấp chính quyền và người dân; thường xuyên liên lạc với Công ty Thủy điện Đăk Kar để theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ và sự cố để chủ động các phương án xử lý kịp thời, hiệu quả; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng, triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh…
Đến thời điểm này đã có 150 hộ dân ở huyện Cát Tiên và 150 hộ dân tại huyện Đạ Tẻh sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nếu xảy ra sự cố ở đâp thủy điện Đăk Ka.
Phương án sơ tán là sẽ di dời các hộ trên lên các vị trí cao hơn ở gần khu vực các hộ này đang sinh sống.
Theo nội dung Công điện khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, công trình hồ thủy điện Đăk Ka tại xã Phú Sơn, huyện Đăk R’Lấp (tỉnh Đăk Nông) đang thi công có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện tại nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng…
Từ ngày 6 – 9/8, tỉnh Lâm Đồng chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Trên địa bàn toàn tỉnh có mưa to đến rất to tại các huyện phía Nam và Tây Nam.
Theo thống kê ban đầu, mưa to, lũ quét gây ngập lụt tại nhiều địa phương, khiến cho 1.400 ngôi nhà bị ngập, gần 2.000 ha rau mùa, trên 50 ha ao cá bị cuốn trôi… thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng.
Đặc biệt, đã có hai người thiệt mạng do bị nước cuốn trôi, 41 người ở một nông trại tại xã Lát, huyện Lạc Dương bị lũ bao vây.
Lực lượng cứu hộ tỉnh Lâm Đồng đã phải căng cáp qua dòng nước lũ, dùng ròng rọc để giải cứu những người này trong ngày 8/8.
Đến 4 giờ 35 phút riêng huyện Đạ Tẻh đã phải di dời 400 hộ dân do nước lũ dâng cao. Đèo Bảo Lộc trên tuyến Quốc lộ 20, nối tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh phía Nam bị hàng trăm khối đất đá sạt lở tại sáu điểm từ đêm 8/9, làm ách tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài 20 km, đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Cũng tại con đèo này trong ngày 9/8 đã có hai chiếc xe 45 chỗ và 7 chỗ bị đất đá từ ta luy dương sạt lở, đẩy xuống ta luy âm, làm năm người trong số 24 hành khách và lái xe trên hai chiếc xe trên bị thương./.
Chu Quốc Hùng/TTXVN