Màn đêm buông xuống bao chùm cả cảnh vật, người dân vùng quê chìm vào giấc ngủ say. Những con thú rừng bắt đầu đi kiếm ăn. Đây chính là thời điểm thích hợp để những tay “thợ săn” đi săn lùng rắn, kỳ tôm, kỳ đà, cheo, cá…., dọc theo những con suối, vách đá, trong rừng sâu. Họ chưa nghĩ đến việc bắt thú rừng đêm khuya đem đến những hiểm họa khôn lường, nguy hiểm đến tính mạng.

Trắng đêm bắt thú rừng

Theo chân một nhóm người địa phương thuộc huyện Đạ Hoai là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã có một chuyến hành trình cùng những thợ săn có kinh nghiệm vào rừng săn bắt thú rừng.

Cuộc đi săn bắt đầu lúc 7h tối, chúng tôi phải đi xe máy đến đầu đoạn rừng, sau đó đi bộ hết nửa tiếng đồng hồ vào rừng sâu, đường sá đi lại khó khăn.

Trong cuộc trò chuyện giữa đường, một người cho biết: “mùa màng đã kết thúc, đây là khoảng thời gian rảnh để mấy người trong nhóm đi vào rừng bắt thú về làm thức ăn và đây cũng là thú vui giải trí, để bắt được chúng phải canh giờ đi săn may ra bắt được chúng”. Những con suối, bìa rừng có khi xa đến mấy chục cây số so với bản làng là điểm chính để nhóm săn đêm “hành nghề”.

Nhóm thợ săn đêm đang tìm kiếm "con mồi".
Nhóm thợ săn đêm đang tìm kiếm “con mồi”.

Thời điểm này, những con thú như rắn, kỳ tôm, kỳ đà lặn lội bò ra bờ suối để ăn côn trùng, muỗi… trước khi vào rừng nhóm thợ săn đã chuẩn bị dụng cụ từ nhiều ngày trước, chúng tôi thấy dụng cụ rất đơn giản do chính tay họ thiết kế: vật dụng tự chế; cây kẹp chuyên dụng để bắt rắn, kỳ tôm; lưới đựng và những chiếc đèn pin, bình ắc quy để đánh bắt cá “để bắt được thú rừng như rắn, kỳ tôm… không hề đơn giản.

Việc di chuyển vào ban đêm, dọc theo các con suối, dòng sông qua các bụi rậm và thậm chí đi dưới nước rất khó khăn. Nhiều cánh rừng có cả bò tót, trâu rừng, heo rừng… là những con thú lớn. Còn chim, gà rừng, chồn, chèo, kỳ tôm, rắn… chỉ cần tìm đến các cánh rừng nằm sau buôn làng hoặc dọc theo các con sông, suối là có thể bắt gặp.

“Hiện nay, thú rừng khan hiếm, chúng không còn nhiều như xưa”. Anh K’ P- người có kinh nghiệm hàng chục năm đi săn đêm cho biết: Để phát hiện được thú rừng đòi hỏi phải có dày dạn kinh nghiệm. Mỗi lần soi đèn pin vào cành cây rừng, bụi rậm phải kiên nhẫn và tỉ mỉ, soi từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Đối với người thợ săn giỏi, chỉ cần soi đèn pin lướt qua là có thể phát hiện thú rừng. Mỗi con thú có đặc điểm riêng, đối với các con thú trên cạn như chim, gà rừng, cheo, kỳ đà, kỳ tôm… chỉ cần ánh đèn soi qua là ánh mắt của chúng phát sáng. Còn đối với những con rắn, phần đuôi và thân con rắn sẽ lộ rõ khi soi vào.

Sau nhiều lần mai phục nhóm thợ săn đã tóm gọn được con mồi.
Sau nhiều lần mai phục nhóm thợ săn đã tóm gọn được con mồi.

Dẫn chúng tôi vào giữa đoạn rừng, để minh chứng cho việc mình làm. Anh K’ Đ-một thành viên của nhóm huýt sáo ra dấu đã phát hiện thú rừng cho tất cả các thành viên trong nhóm biết. Khi soi đèn vào, chúng tôi thấy một con trăn nặng hơn 2kg. nằm cuốn tròn mình trên cành cây. Lúc này, cả nhóm “ bày mưu tính kế” không để con trăn thoát thân. Còn anh K’ Đ. thì nhẹ nhàng dùng cây kẹp bắt rắn kẹp thẳng vào đầu con trăn. Bị kẹp chặt, con trăn cố gắng vùng vẫy và thoát nhanh lao thân xuống nước.

Biết trước, loài trăn thường nhảy xuống sông hoặc trốn vào bụi rậm bên cạnh nếu bị “tấn công” nên ba thanh niên trong nhóm đợi sẵn ở bờ sông và nhanh như chớp dùng tay không lao đến bắt con trăn. Tiếp đó, chuyến đi săn đêm, lần lượt là những con kỳ tôm, rắn ráo và cả chim rừng… bị nhóm thợ săn bắt gọn, bỏ vào lưới đựng đã chuẩn bị từ trước. Ai trông thấy cũng trầm trồ thán phục.

Thành quả sau mỗi chuyến đi săn đêm, nhóm thợ săn bắt được 2- 5kg rắn đủ các loại, hơn 3kg kỳ tôm, kỳ đà và nhiều con thú. Những con thú trên thợ săn sẽ chia nhau ăn, hoặc bán lại cho các quán nhậu quen thuộc trên bản làng.

Chiến lợi phẩm gồm kỳ tôm và kỳ đà mà thợ săn bắt được sau một đêm vất vả.
Chiến lợi phẩm gồm kỳ tôm và kỳ đà mà thợ săn bắt được sau một đêm vất vả.

Hiểm họa khôn lường

Đi săn đêm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khi đi qua đoạn suối, sông có nhiều thợ săn đêm gặp nạn, hoặc có nhiều người trượt chân ngã, đập đầu vào đá gây chấn thương nghiêm trọng, được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, khi bắt kỳ tôm, rắn… bằng tay khiến cho nhiều người bị rắn độc cắn. “Cách đây vài tuần, một thanh niên của làng đã dùng tay không bắt con rắn ráo vào ban đêm và bị một con rắn độc nằm ở bụi cây bên cạnh cắn phải. Rất may người thanh niên được kịp thời đưa đi cấp cứu nên giữ được mạng sống”- anh K’ P cho biết.

Thừa nhận tình trạng trên, một cán bộ Hạt kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết: mặc dù Cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, cấm săn bắt thú rừng dưới mọi hình thức và sẽ xử lý nghiêm khi phát hiện.

Tuy nhiên do địa bàn rộng,cách thức hoạt động của nhóm thợ săn đa dạng nên việc kịp thời phát hiện và xử lý nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Gia Hân (Theo Phapluatplus.vn)