Đầu năm 2017, dư luận xôn xao với quả Magic S (còn gọi là cà chua thân gỗ) được giới thiệu lên tới 1 triệu đồng/kg.
Nhiều hộ dân tại Lâm Đồng đã mua cây Magic S với giá từ 100.000 – 500.000 đồng/cây về trồng. Đến nay, khi được thu hoạch loại trái cây này lâm vào cảnh bán không ai mua, cho không ai lấy, đẩy nhiều nhà vào cảnh khốn khó…
Đồn thổi 1 triệu đồng/kg
Sau nhiều phút đắn đo, ông Nguyễn Mạnh Hà (53 tuổi), Giám đốc HTX nông nghiệp magic S Rạng Đông, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) và ông Nguyễn Bá Tôn (53 tuổi, xã viên HTX) đã thổ lộ sự thật về tình hình hiện nay của HTX khi trồng cây Magic S. “Nói ra thì ngượng, mà không nói thì hàng chục, hàng trăm gia đình khác lại lâm vào cảnh khốn cùng như chúng tôi hiện nay. Chỉ làm giàu cho người bán giống!..”, ông Hà mở lời.
Theo vị Giám đốc HTX, sau khi đọc được bài viết về giá trị kinh tế to lớn mà cây Magic S đem lại của một cán bộ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và cũng chính vị này phát biểu trên truyền hình, đánh giá cây Magic S là “cây làm giàu cho nông dân và doanh nghiệp”, cùng với thông tin đưa ra mỗi kilogam quả Magic S có giá trên thị trường lên tới 1 triệu đồng, nên các ông tin rằng loại cây này có thể làm giàu.
Do đó, tháng 6-2017 ông Nguyễn Bá Tôn bán 26 con bò sữa lớn nhỏ đang cho thu nhập từ 1-1,3 triệu đồng/ngày, ông Nguyễn Mạnh Hà vay mượn thêm tiền của một số người khác cùng ông Tạ Trọng Vân (58 tuổi), trực tiếp liên hệ và mua 1.100 cây Magic S giống (ông Tôn 500 cây, ông Hà 200 cây, ông Vân 400 cây) của một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng với giá 100.000 đồng/cây. Nhờ được chăm sóc tốt, cây Magic S phát triển rất nhanh.
Sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cùng nhiều đoàn khách đã tới gia đình ông Hà, ông Tôn, ông Vân tham quan. Một số cơ quan chức năng của các tỉnh phía Bắc cũng tìm tới vườn Magic S của các hộ trên học tập, tham quan thực tế về triển vọng kinh tế to lớn của loại cây này đem lại.
“Thời điểm cây Magic S cho ra hoa, kết quả chúng tôi vô cùng phấn khởi. Các loại phân bón đắt tiền, nước tưới được cung cấp cho cây thường xuyên. Liên tục có các đoàn tới tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm nên rất vui. Cùng lúc, chúng tôi xúc tiến thành lập ngay HTX Nông nghiệp Magic S Rạng Đông. Giờ thủ tục thành lập HTX đã hoàn tất nhưng không dám tổ chức công bố thành lập vì kết quả bây giờ ê chề quá!..”, ông Hà buồn bã nói.
Ông Nguyễn Bá Tôn cho biết, từ tháng 6 đến 10-2018, các ông đã bán cho Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt 4 đợt, tổng cộng 2.891kg quả Magic S. Hai đợt đầu tiên (hơn 1.100kg), doanh nghiệp này thu mua với giá 150.000 đồng/kg. Khoảng 1.700kg của hai đợt còn lại, doanh nghiệp chỉ mua trái Magic S với giá 150.000 đồng cho khoảng 20% quả loại 1, 80% còn lại giá chỉ 50.000 đồng/kg. Hoàn toàn đối lập với giá mà vào đầu năm 2017 dư luận đồn thổi và trong bài viết mà người bán giống thông tin.
Trong hai đợt bán quả Magic S sau này, HTX nông nghiệp magic S Rạng Đông chưa nhận được tiền. Từ đó tới nay, Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Đà Lạt ngừng thu mua quả Magic S. Lãnh đạo HTX đã cố gắng liên hệ với một số nơi để bán loại trái cây trên nhưng không đơn vị nào nhận mua.
Không những thế, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, thời gian qua HTX còn nhận được rất nhiều đề nghị của người trồng Magic S thuộc các huyện trong tỉnh Lâm Đồng mời tiêu thụ giúp loại trái cây này nhưng ông buộc phải từ chối vì ngay chính các thành viên của HTX cũng đang lâm vào cảnh sản phẩm không thể bán được.
Một “canh bạc” sai lầm
Để trái Magic S chín rụng ngoài vườn không đành, ông Nguyễn Bá Tôn và ông Nguyễn Mạnh Hà lại bỏ ra hơn 50 triệu đồng mua 4 tủ đá lớn (ông Hà 1 tủ, ông Tôn 3 tủ) để tích trữ khoảng 1.500kg quả.
Ông Tôn lần lượt mở các tủ đá đựng đầy quả Magic S đã đông cứng, chua chát nói: “Trữ cả tháng nay rồi vì không bán được cho ai, giờ lại tốn thêm tiền điện cho 3 tủ đá lớn hoạt động!..”. Hiện 3 tủ đá của gia đình ông Tôn đang tích trữ khoảng 1.100kg quả Magic S. Đến nay, hộ ông Hà có 800 cây Magic S lớn nhỏ, ông Tôn có 750 cây cùng hàng trăm cây giống khác do Trung tâm nông nghiệp huyện Đơn Dương hỗ trợ 75% giá chưa dám đem ra trồng.
Nhiều tuần qua, do các hộ không còn mặn mà với loại cây này nên việc chăm sóc gần như bị bỏ bê, cây dần trở nên xơ xác, trái chín rụng đỏ gốc không ai muốn nhặt. Tiếc của, các hộ hái đem biếu người thân quen nhưng họ không ăn vì không hợp khẩu vị.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp Magic S Rạng Đông cho biết, hiện nay HTX có 7 thành viên, nếu tính cả những người đã có đơn xin ra nhập thì trên 30 hộ thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh… Theo thống kê sơ bộ của HTX, toàn tỉnh Lâm Đồng đang có khoảng 30ha cây Magic S. Hiện 6ha cây Magic S đang cho trái, dự kiến đến cuối năm nay, con số này tăng lên 12ha với hàng chục tấn quả.
Nhìn trái Magic S chín rụng đỏ gốc, ông Tôn rưng rưng như nhận ra một “canh bạc” rất sai lầm: “Trước đây vợ chồng tôi nuôi bò sữa, mỗi ngày thu hơn 100kg sữa, trừ chi phí vẫn có lãi hơn 1 triệu mỗi ngày. 26 con bò sữa lớn nhỏ bán sạch để trồng cây Magic S không ngờ đến hôm nay kết quả lại thành ra thê thảm thế này!..”.
Giám đốc HTX nông nghiệp Magic S Rạng Đông đang cân nhắc, nếu trong thời gian tới không lo được đầu ra cho sản phẩm thì buộc phải phá bỏ, chấp nhận mất trắng sau hơn một năm dốc sạch tiền bạc vào loại cây vốn được giới thiệu là siêu quả, siêu đắt – Magic S.
Bà Lê Thị Bé, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đơn Dương cho biết, đã nắm được tình trạng HTX nông nghiệp Magic S Rạng Đông không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thời gian qua huyện cũng đã cố gắng liên hệ, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và HTX nhưng vẫn chưa có đơn vị nào thu mua quả Magic S.
Biện pháp trước mắt là vận động người trồng đem quả này đi giới thiệu, tiêu thụ ở các điểm nhỏ, lẻ với giá rẻ để vớt vát phần nào. Cũng theo bà Bé, huyện Đơn Dương chưa có đề án phát triển cây Magic S. Các hộ trên trồng loại cây này chỉ là tự phát sau khi ngộ nhận từ tin đồn 1 triệu đồng/kg quả.
Khắc Lịch (Báo CAND, 22/11/2018)