Sau khi có kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng, UBND xã Bảo Lâm 1 (tỉnh Lâm Đồng) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi tại Thôn 5 (xã Lộc Quảng cũ).

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán và xét nghiệm Thú y Trung ương II (thuộc Cục Chăn nuôi và Thú y) đóng tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy, mẫu lợn bị bệnh tại trang trại chăn nuôi lợn (heo) của gia đình ông Ng. V. Th. (Thôn 5, xã Lộc Quảng cũ) dương tính với virus Dịch tả lợn Châu Phi.
Theo đó, vào sáng 27/7, UBND xã Bảo Lâm 1 đã giao Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp với Trạm Kỹ thuật Nông nghiệp khu vực Bảo Lộc (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng) và gia đình ông Th. tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng và hộ chăn nuôi đã tiến hành đào hố sâu ngay trong vườn sản xuất thuộc khu vực trang trại chăn nuôi của gia đình ông Th. để tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nhiễm bệnh theo quy định. Sau khi hố được đào sâu, tiến hành xử lý bằng vôi bột, phun xịt tiêu độc, khử trùng để tiêu hủy đàn lợn.
.jpg)
Ông Trịnh Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Bảo Lâm 1, cho biết: Quá trình tiêu hủy đàn lợn được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng triển khai đảm bảo chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, trước, trong và sau quá trình tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh đều được phun xịt tiêu độc, khử trùng khu vực tiêu hủy, chuồng trại và các khu vực xung quanh để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan.
Như đã thông tin: Trước đó, vào chiều 24/7, chính quyền địa phương tiếp nhận tin báo từ gia đình ông Th., Thôn 5, xã Lộc Quảng (cũ), nay thuộc xã Bảo Lâm 1 về có 31/240 con lợn nhiễm bệnh bị chết khiến gia đình rất lo lắng. Theo trình báo của ông Th. số lợn bị chết với các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, lờ đờ, khó thở…

UBND xã Bảo Lâm 1 đã nhanh chóng chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với Trạm Kỹ thuật Nông nghiệp khu vực Bảo Lộc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý. Kết quả kiểm tra bước cho thấy, 31 con lợn, với tổng trọng lượng 411 kg của gia đình ông Th. chết chưa rõ nguyên nhân.
Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu để gửi tới cơ quan Thú y Khu vực 5 (tỉnh Đắk Lắk) phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn đến lợn bị chết. UBND xã Bảo Lâm 1 cũng đã kịp thời báo cáo vụ việc tới Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng và Chi cục Chăn nuôi, Thúy y tỉnh để phối hợp, hướng dẫn chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Theo báo cáo, đàn lợn của gia đình ông Th. có tổng cộng 240 con, trong đó có 150 con lợn con, 80 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Cùng với việc tiêu huy đàn lợn nhiễm bệnh, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng đang tiến hành thống kê tổng trọng lượng đàn lợn để báo cáo và có phương án hỗ trợ cho gia đình ông Th. giảm bớt thiệt hại, khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo ước tính, toàn xã Bảo Lâm 1 hiện đang có đàn lợn hơn 10.000 con, chủ yếu chăn nuôi theo hộ gia đình cá nhân với mô hình gia trại, trang trại quy mô vừa và nhỏ.

Cũng theo ông Trịnh Văn Thảo, ngay từ chiều qua (26/7), sau khi tiếp nhận hơn 1.000 liều vaccine tám liều (dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trung) và thuốc sát trùng từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Lâm Đồng cấp, địa phương đã tiến hành tiêm bao vây vùng đệm cho đàn lợn trên diện rộng; đồng thời, tổ chức phun xịt tiêu độc, khử trùng trên diện rộng toàn xã để phòng chống dịch hiệu quả, với quyết tâm khống chế dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng khuyến cáo: Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, với phương châm phòng là chính, người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng; giám sát, theo dõi đàn vật nuôi. Khi phát hiện vật nuôi có các biểu hiện bất thường, phải báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời kiểm tra, xử lý…

Đặc biệt, khi phát hiện đàn lợn có triệu chứng nhiễm bệnh, người chăn nuôi phải chấp hành nghiêm nguyên tắc “4 không”: Không được giấu dịch; không được bán tháo, bán chạy lợn chết; không được vứt xác lợn chết bừa bãi; không được tự ý giết mổ lợn chết dưới mọi hình thức để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trường hợp phát hiện, người chăn nuôi cố tình vi phạm nguyên tắc “4 không”, chính quyền, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đã gấp rút chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; phối hợp cùng các địa phương gấp rút triển khai các giải pháp, phương án phòng, chống bệnh dịch. Công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương gấp rút triển khai. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y Lâm Đồng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, trang thiết bị để phòng chống và dập dịch nếu bùng phát trên địa bàn. Qua đó, góp phần phòng chống dịch hiệu quả, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Khánh Phúc (LĐ Online)
Nguồn: https://baolamdong.vn/tieu-huy-dan-lon-nhiem-benh-dich-ta-lon-chau-phi-383932.html