Ngày 21/9, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đơn vị vừa bắt giữ nhóm 11 đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh với số tiền giao dịch lên tới 10 tỷ đồng.
Trước đó, qua công tác trinh sát, các lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Lâm Đồng), xác định nghi vấn về một nhóm đối tượng ngoại tỉnh đến địa bàn TP Đà Lạt lưu trú, có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Cụ thể, nhóm đối tượng này sống ở nhiều nơi khác nhau trên địa bàn TP Đà Lạt, không có việc làm ổn định, có nhiều biểu hiện đòi nợ, gây sức ép lên những người chúng liên lạc.
Vụ việc trực tiếp được Đại tá Trương Minh Đương – Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cùng Đại tá Đinh Xuân Huy – Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra chỉ đạo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự khẩn trương, phối hợp với Công an các huyện, thành phố có liên quan đấu tranh bóc gỡ, xử lý nghiêm nhóm đối tượng trên.
Ngay sau đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ mở hồ hồ sơ theo dõi, tiến hành xác minh, điều tra với từng đối tượng nghi vấn. Bước đầu, lực lượng Công an đã khoanh vùng, xác định được nhân thân các đối tượng và địa bàn hoạt động. Để che giấu hành vi phạm pháp, các đối tượng chỉ liên lạc với người vay tiền qua điện thoại, giải ngân và thu lãi qua tài khoản ngân hàng khiến quá trình điều tra của lực lượng Công an gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần quyết tâm trấn áp tội phạm, quyết tâm loại trừ mối họa tín dụng đen quay trở lại, sau một thời gian dài nỗ lực xác minh, trinh sát, lực lượng Công an đã thu thập được nhiều chứng cứ có liên quan.
Tối 15/9, 6 mũi trinh sát dưới sự tham gia, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Phòng đã đồng loạt tiến hành triệu tập làm việc đối với 11 đối tượng gồm: Bùi Đức Tân (29 tuổi), Nguyễn Kiều Hưng (34 tuổi), Hoàng Văn Duy (26 tuổi), Nguyễn Văn Huy (27 tuổi), Trần Tuấn Anh (26 tuổi), Đào Thế Vượng (25 tuổi), Đỗ Minh Công (25 tuổi), Nguyễn Tuấn Anh (27 tuổi), Nguyễn Văn Ba (32 tuổi), Đỗ Thị Minh Thanh (27 tuổi) cùng có hộ khẩu tại tỉnh Hà Nam và Nguyễn Thế Cương (25 tuổi) có hộ khẩu tại tỉnh Hà Giang, tất cả đều đang tạm trú tại TP Đà Lạt.
Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng khai nhận từ năm 2022 đến nay lần lượt di chuyển từ Hà Nam vào Lâm Đồng để hoạt động tín dụng đen. Để tiếp cận khách hang, các đối tượng lập nhiều tài khoản, tạo app rồi quảng cáo cho vay với hình thức không thế chấp trên mạng xã hội. Khi khách có nhu cầu vay tiền, thông qua Zalo, Facebook để liên hệ, chụp CCCD hoặc đưa đối tượng trực tiếp đến nơi ở để xác minh. Sau khi thống nhất số tiền vay, phí dịch vụ và hình thức góp người vay sẽ nhận tiền qua tài khoản và trả tiền góp hang ngày. Đến thời điểm hiện tại, các đối tượng đã cho trên 130 khách vay, trên 400 lượt giao dịch với số tiền khoảng 10 tỷ đồng, lãi suất vay từ 365% – 820%/ năm, thu lợi bất chính trên 1,6 tỷ đồng.
Theo điều tra, địa bàn hoạt động của các đối tượng tập trung tại TP Đà Lạt, và các huyện lân cận, gồm: Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh tập trung vào những người kinh doanh, buôn bán khó khăn về tài chính do dịch bệnh, không có điều kiện, khả năng tiếp cận với kênh tài chính chính thống, biết vay lãi xuất cao nhưng không có sự lựa chọn khác, ngoài ra có một số trường hợp là công chức, người lao động và một số đối tượng vay sử dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật như cờ bạc, thậm chí vay rồi cho vay lại với lãi suất cao hơn.
Theo Trung tá Lê Duy Long – Đội trưởng Đội điều tra tội phạm tuyến, địa bàn, Phòng Cảnh sát Hình sự: “Tất cả các đối tượng đều từ tỉnh khác đến Lâm Đồng hoạt động tín dụng đen. Không giống với cách thức truyền thống như rải tờ rơi, để lại số điện thoại rồi gặp trực tiếp giải ngân, thu tiền, nhóm đối tượng này ngồi ở nhà thực hiện tất cả công đoạn trên. Đối tượng cho vay mà chúng nhắm đến thường là những người khó khăn trong tiếp cận tài chính và rất cần tiền, nên nhiều trường hợp bất chấp lãi cao để vay, sau khi bị đòi đã bỏ trốn khỏi địa phương…, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự. Trong quá trình đấu tranh việc chúng tôi gặp khó khăn khi bị hại có rất ít thông tin và không muốn hợp tác với cơ quan Công an. Chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp từ vận động thuyết phục đến đấu tranh nghiệp vụ, qua đó bước đầu đã củng cố được hồ sơ, khởi tố vụ án”.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng như: Sổ ghi chép, giấy tờ tùy thân của người vay và 20 chiếc điện thoại di động có nhiều dữ liệu liên quan đến giao dịch và chạy quảng cáo…
Hiện Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định khởi tố vụ án, củng cố hồ sơ để khởi tố bị can với các đối tượng, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Lê Tiến – Thụy Trang
Báo Lâm Đồng
Nguồn: https://baolamdong.vn/phap-luat/202309/triet-pha-nhom-tin-dung-den-tai-lam-dong-5201371/