Ðể cây quýt đường phát triển tốt, sai quả với vị ngọt đầm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ngoài việc áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, người nông dân này còn mua các loại cá về ủ ép lấy nước cốt để bón cho quýt. Ðây là cách làm mới chưa được người trồng quýt nào áp dụng, nhưng đã giúp anh thu về hơn 6 tỷ đồng/năm từ vườn quýt 4,7 ha.
Từ anh bán trái cây dạo
Trong một chuyến công tác tại huyện Đạ Tẻh vào dịp cuối năm, chúng tôi được ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh giới thiệu và đưa đến thăm mô hình trồng quýt đường của anh Nguyễn Thành Nhân (46 tuổi, ngụ Thôn 7, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh). Theo ông Hùng, đây là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mà ông tâm đắc nhất về hiệu quả kinh tế cao đã và đang mang lại cũng như khả năng nhân rộng cho người dân tại địa phương.
Trước khi bắt đầu câu chuyện trồng quýt cùng anh Nhân, chúng tôi đã có dịp dạo quanh vườn quýt xanh tốt, trĩu quả rộng 4,7 ha mà anh đang sở hữu. Sinh ra trong một gia đình đông con tại TP Cần Thơ, vì gia đình khó khăn, nên đang học cấp 2 thì anh Nhân phải nghĩ học để đi làm thuê, làm mướn phụ giúp gia đình. Năm 2003, anh lập gia đình và chuyển về quê vợ ở huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) sinh sống. Tại quê vợ, do không có đất đai sản xuất, kinh tế gia đình lại khó khăn nên anh đã chọn việc bán trái cây dạo để lo cơm áo, gạo tiền. Công việc này tuy thu nhập không cao, nhưng cũng đủ để vợ chồng anh Nhân trang trải cuộc sống. Cứ thế, anh đeo đuổi và gắn bó với công việc này hơn 5 năm cho đến khi đầu tư mở vựa thu mua trái cây rồi mua đất trồng quýt.
Theo tâm sự của anh Nhân, năm 2009, anh mở vựa thu mua trái cây, trung bình mỗi ngày anh thu mua từ 7 – 8 tấn các loại trái cây như quýt đường, chôm chôm, mít và sầu riêng. Trong thời gian này, anh thường xuyên tìm đến tận các vườn trồng cây ăn trái để mua hàng. Từ đó, anh chủ động tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng quýt đường từ các chủ vườn là bạn hàng của anh. Rồi anh nhận thấy, quýt đường là loại cây ăn trái dễ trồng, phù hợp với đất đồi núi và chi phí đầu tư không quá cao so với các loại cây ăn quả khó tính khác. Để tăng thêm nguồn thu nhập, anh Nhân đã quyết định thuê lại 1 vườn quýt 7 sao của người dân ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) để tự chăm sóc, thu hoạch.
Ðến tỷ phú trồng quýt trên đất cằn
Anh Nhân cho biết: “Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, vườn quýt 7 sào thuê lại mang về cho gia đình tôi nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Nhưng thuê được 3 năm thì bị chủ vườn lấy lại nên tôi tiếc lắm. Vì vậy, tôi đã quyết định tìm tới các huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh (Lâm Đồng) để mua đất trồng quýt”.
Năm 2013, sau nhiều tháng “ăn nằm” ở Đạ Huoai và Đạ Tẻh, anh Nhân đã chọn được lô đất 4,7 ha mà mình ưng ý tại Thôn 7 (xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh) và quyết định đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mua. Ngay sau đó, anh tiến hành làm đất, đầu tư hệ thống tưới tự động, dùng lưới B40 rào quanh vườn và xuống giống 2.700 cây quýt đường trên toàn bộ diện tích. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp KHKT vào chăm sóc, vườn quýt của anh cứu thế phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và đúng 26 tháng sau cây bắt đầu ra hoa cho trái bói. Theo anh Nhân, để vườn quýt phát triển tốt, cần thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển để biết cây cần gì mà kịp thời bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho chúng. Ví dụ, khi thấy lá cây quýt mỏng thì phải biết cây thiếu đạm; còn thấy cây còi cọc là chắc chắn thiếu can xi; hay khi cho trái da bị sần sùi, múi sượng là do thiếu kali… nên phải bổ sung ngay cho cây.
Nói về kinh nghiệm, anh Nhân chia sẻ: “Theo tự nhiên, quýt thường ra hoa vào các tháng 10 – 11 âm lịch hàng năm và đến các tháng 6 – 7 thì cho thu hoạch. Nhưng muốn mang lại hiệu quả cao, cần áp dụng các biện pháp KHKT để quýt ra hoa, đậu trái theo ý muốn. Có nghĩa mình phải biết nắm bắt nhu cầu và giá cả thị trường để từ đó tìm cách cho quýt ra hoa, đậu trái vào thời điểm không ai có mà mình có mới bán được giá cao”.
Một điều khác biệt với những người trồng quýt khác là anh hạn chế sử dụng các loại phân hóa học bón cho cây nhằm đảm bảo các điều kiện VSATTP cho người tiêu dùng. Ngoài việc sử dụng các loại phân bón vi sinh trên thị trường, anh Nhân còn tìm mua các loại cá tươi về ủ lấy nước bón cho vườn quýt. Hiện, anh có 6 bể ủ cá, với sức chứa từ 700 – 800 kg. Sau khi mua cá về, anh trộm với các chế phẩm sinh học để “tiêu diệt” mùi hôi khó chịu và mầm bệnh rồi lấy nước cốt pha với nước lạnh bón cho cây quýt. Cứ thế, mỗi tuần anh bón nước cốt cá tươi cho vườn quýt một lần. Là một dạng phân bón vi sinh, trong nước cốt cá tươi có đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, kali, can xi… giúp bộ rễ cây quýt phát triển tốt. Nhờ vậy, vườn quýt lúc nào cũng xanh tốt, trái to, da bóng và độ ngọt cao.
Bằng việc áp dụng hiệu quả các biện pháp KHKT vào sản xuất, cùng với các chế độ chăm sóc “đặc biệt” nên vụ thu hoạch vào các tháng 4 – 5/2017 vừa qua, gia đình anh thu được tổng sản lượng gần 250 tấn quýt. Với giá bán trung bình từ 25 – 30 ngàn đồng/kg, mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập hơn 6 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, anh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, anh đã mua thêm gần 15 ha đất tại xã Quốc Oai (Đạ Tẻh) để trồng quýt và một số cây ăn trái khác như bưởi da xanh và nhãn…
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh khẳng định: “Thời gian qua, địa phương có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích điều già cỗi đưa các giống cây ăn quả như sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường… vào trồng. Bước đầu các mô hình cây ăn trái, trong đó có mô hình trồng quýt đường của anh Nhân đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này cho thấy Đạ Tẻh rất có tiềm năng để phát triển cây ăn trái thay thế cho các cây trồng kém hiệu quả. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiến hành đánh giá các vùng đất thích hợp để có chính sách hỗ trợ giúp bà con chuyển đổi trồng cây ăn trái. Chúng tôi phấn đấu trong 10 năm tới sẽ đưa địa phương trở thành một trong những vùng phát triển cây ăn trái trọng điểm của tỉnh”.
Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 19/1/2018)