Mỗi năm ông Vũ Văn Bằng thu hoạch hơn 350 tấn sầu riêng, tổng thu nhập của ông đạt trên 14 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7 tỷ đồng.
Từ quê nhà tỉnh Nam Định vào huyện Di Linh (Lâm Đồng ) từ năm 1980 để làm công nhân Nông trường chè – cà phê Di Linh, quyết tâm bám trụ vùng quê mới, đến nay, ông Vũ Văn Bằng tự tin nói: “Tôi đi học hỏi khắp rồi, cũng chưa thấy có ai có diện tích và sản lượng sầu riêng lớn như tôi hiện nay”. Ông Bằng có thu nhập hơn 14 tỷ đồng mỗi năm từ loại cây ăn trái đang phát triển cực thịnh tại Lâm Đồng.
Năm 1985, ông bắt đầu định cư tại thôn 1, xã Hòa Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) với một mảnh vườn cà phê mua được sau nhiều năm tích cóp. Đến năm 2007, ông Bằng mới bắt đầu bỏ cà phê để trồng hoàn toàn sầu riêng. Trước đó, nhiều người trong vùng trồng sầu riêng hạt không hiệu quả nên đốn bỏ, còn ông thì lúi húi chặt bỏ cà phê trồng sầu riêng.
Ông chia sẻ: “Vì mình trồng thử cây sầu riêng hạt thực sinh ghép với giống sầu riêng Monthong thì thấy hiệu quả. Tính kỹ, mỗi hecta sầu riêng có thể “chấp” 10 ha cà phê; trong khi một lao động có thể làm hai, ba hecta sầu riêng nhưng với cà phê phải cần tới cả chục người mới làm nổi. Đó là chưa kể, lao động cà phê khó tìm vì khắp nơi đều cần, trong khi gọi lao động sầu riêng thì cực dễ vì thời điểm, thời vụ khác với cà phê”.
Ông Bằng dần dần mở rộng diện tích đất để trồng sầu riêng, từ chỗ mua 40 – 50 triệu đồng/ha; đến nay mỗi hecta đất đã có giá trên một tỷ đồng. Ông trồng hết toàn bộ 17 ha sầu riêng tại thôn 1, xã Hòa Nam (huyện Di Linh), khi chưa đủ tuổi thu hoạch đã có công ty đến nhận bao tiêu toàn bộ sầu riêng quả khi thu hoạch. “Mới đầu họ tính sản lượng của mình sau năm năm trồng vào khoảng 200 tấn, mình cũng không nghĩ tới, thế nhưng sau này còn hơn thế nhiều”, ông Bằng nói.
Vùng đất Di Linh, đặc biệt là xã Hòa Nam, được bao bọc kín bởi địa hình núi, nguồn nước dồi dào rất phù hợp trồng sầu riêng. Sau vùng đất tại xã Hòa Nam, ông Bằng mạnh dạn đầu tư trồng hết đất của mình ở các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh. Hiện nay, tổng diện tích sầu riêng của gia đình ông Bằng là 25 ha, bên trong rẫy sầu riêng, ông Bằng đổ nhựa làm đường cho xe máy dễ vận chuyển sầu riêng và làm việc.
Với 3.500 cây sầu riêng đang cho thu hoạch bình quân 100 kg/cây/vụ; mỗi năm ông Bằng thu hơn 350 tấn sầu riêng, với giá bán năm 2016 tại vườn là 41.000 đồng/kg; tổng thu nhập của ông đạt hơn 14 tỷ đồng, lợi nhuận trên 7 tỷ đồng.
Ông Bằng kể: “Mình phải học hỏi, học suốt đời. Chỉ với cây sầu riêng cũng phải học. Tôi đi khắp nơi, hầu như nơi nào có sầu riêng là tôi tìm đến để học hỏi. Sau rút ra kết luận là những người học từ trường lớp bài bản rất giỏi, hiểu rõ nhu cầu và sự phát triển của cây. Thế nhưng tỉ mỉ quá không hẳn là tốt, đôi khi có chút xuề xòa, vì cây cũng như người vậy!”.
Nghe ông Bằng nói về cách tìm hiểu đặc tính sinh lý, những yếu tố dinh dưỡng, phát triển của cây sầu riêng cho đến cách chăm bón, bổ sung từng loại dinh dưỡng vào từng thời điểm của cây thế nào thì mới rõ câu ông nói “cây cũng như người”. Ông hiểu rất rõ khi nào cây cần tưới, bao lâu cây cần bón phân; lúc cây đâm chồi nẩy lộc hay khi cây phát triển bón loại phân gì, đến khi ra hoa, đậu quả, quả lớn lên… đều có từng nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.
Năm nay, ông cũng đứng vào hàng ngũ người cao tuổi khi vừa tròn một vòng hoa giáp. Thế nhưng ông vẫn không ngừng học hỏi. Ông nói: “Năng suất sầu riêng của tôi sẽ tăng cao hơn nữa vì tôi có học hỏi một mô hình ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), mỗi cây sầu riêng có năng suất lên tới 600 kg. Đây là kỷ lục mà tôi chưa từng thấy có mô hình thứ 2 nào đạt nổi”.
Vì có lượng sầu riêng lớn nên ông Bằng cũng không lo vấn đề đầu ra, một công ty chuyên xuất khẩu hoa quả đã nhận bao tiêu toàn bộ sầu riêng của ông theo giá thị trường vào thời điểm thu hoạch. Công việc của ông chỉ là lo chăm bón cho cây thật tốt, năng suất cao, và… thu tiền. Vườn sầu riêng của ông Bằng đang thời kỳ cho quả, chỉ khoảng 2 – 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, ông lại thu về tiền tỷ.
Hiện tại, ông Bằng sử dụng 12 lao động thường xuyên và hơn 10 lao động theo thời vụ. Với những lao động thường xuyên, ông Bằng xây nhà ở cho họ và đáp ứng những nhu cầu giải trí thiết yếu như truyền hình, karaoke… Thế nên lao động gắn bó với ông như người một nhà.
Ngay buổi chiều làm việc với chúng tôi, ông Bằng cũng vừa công chứng giấy tờ nhận sang nhượng khu đất rộng một hecta với giá hơn một tỷ đồng. Và mục đích cũng không có gì khác ngoài trồng sầu riêng. “Nếu mình nuôi cây cho thật tốt, thì cây sẽ theo mình suốt đời. Sầu riêng không sợ cỗi, chết nếu biết chăm bón, nuôi cây cho đúng. Trong khi nhiều loại trái cây khác có khả năng bão hòa thì nhu cầu về sầu riêng vẫn sẽ tăng cao vì không có nhiều nước trồng được loại cây này, và nếu giá có hạ xuống 10.000 đồng/kg, tôi vẫn có lãi”, ông Bằng khẳng định.
Ông Vũ Văn Bằng là gương sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nông dân cùng phát triển điển hình của tỉnh Lâm Đồng vừa được tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 tại Thủ đô Hà Nội. Ông Bằng cười xòa: “Lên diễn đàn nói mà toát hết cả mồ hôi”.
Phạm Kha – Nguyễn Dũng (TTXVN)