Ngày 9/12, tại thành phố Nha Trang, lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng đã có buổi làm việc để bàn bạc thống nhất phương án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hoà) – Liên Khương (Lâm Đồng) trên cơ sở chỉnh sửa bổ sung ý kiến của lãnh đạo hai tỉnh tại cuộc trao đổi làm việc vào tháng trước diễn ra tại TP Đà Lạt để tiến tới đề xuất Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này trong thời gian tới theo hình thức PPP – hợp dồng BOT, có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu tại buổi làm việc

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Đức Quận – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và các địa phương liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh phát biểu bày tỏ quan điểm thúc đẩy sớm triển khai tuyến cao tốc này

Về phía tỉnh Khánh Hoà có các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; đồng chí Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương liên quan.

Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của lãnh đạo và các thành viên hai tỉnh tại buổi làm việc tháng trước, đại diện đơn vị tư vấn là Công ty tư vấn Trường Sơn đã trình bày các phương án hướng tuyến, sơ bộ tổng mức đầu tư và các nội dung liên quan đến triển khai Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sau khi bàn bạc, về cơ bản, 2 tỉnh thống nhất lựa chọn phương án có chiều dài tuyến ngắn nhất (81,5km). Đây cũng là phương án được hai bên phân tích đánh giá là tối ưu nhất cho đến thời điểm hiện tại vì có tổng mức đầu tư thấp nhất, ít tác động đến rừng nhất. 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng Tôn Thiện San phát biểu ý kiến

Phương án này sẽ có hướng tuyến song song với Quốc lộ 27C, khá thuận lợi trong việc kết nối với hệ thống giao thông hiện có của khu vực; đồng thời, có tác dụng hỗ trợ cho Quốc lộ 27C khi những năm qua quốc lộ này thường xuyên gặp sự cố sạt lở, ách tắc giao thông vào mùa mưa bão và cũng sắp mãn tải.

Bí thư Thành uỷ Đà Lạt Đặng Trí Dũng bày tỏ kỳ vọng dự án sẽ đảm bảo về an ninh chính trị cho vùng Tây Nguyên và thúc đẩy phát triển kinh tế

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo các địa phương của tỉnh Lâm Đồng có tuyến cao tốc đi qua tiếp tục có nhiều ý kiến trao đổi để làm rõ một số vấn đề liên quan đến hướng tuyến, các nút giao và kết nối giao thông đoạn qua tỉnh Lâm Đồng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp thống nhất cao phối hợp với Khánh Hòa sẽ đề xuất xin chủ trương đầu tư Dự án cao tốc này 

Đặc biệt, hai bên cũng dành thời gian để bàn bạc tìm giải pháp hình thành hướng tuyến tối ưu nhất để tránh tối đa việc tác động đến rừng và đề xuất, gới mở các phương án bảo vệ môi trường, cảnh quan, trồng rừng thay thế… sao cho hiệu quả và thực chất.

Các phương án như thay vì đào đất thì chuyển sang làm cầu cạn để tránh tác động đến rừng, đến giải phóng mặt bằng và mang tính ổn định lâu dài theo đề xuất của tỉnh Lâm Đồng cũng được đơn vị tư vấn tiếp thu giới thiệu vào các phương án tư vấn lần này, cũng thể hiện trách nhiệm và quyết tâm của 2 tỉnh dù chi phí đầu tư sẽ tăng thêm…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, đại đa số ý kiến người dân đồng tình ủng hộ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lat

Bí thư Thành phố Nha Trang phát biểu

Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hoà đã thống nhất cao về việc sẽ đề xuất chủ trương đầu tư Dự án cao tốc này sớm (trước năm 2025) với quy mô đầu tư một lần hoàn chỉnh theo quy hoạch từ 22m đến 24,75m. 

Đại diện nhà đầu tư quan tâm đến Dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt phát biểu tại buổi làm việc

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt nếu được đầu tư sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ cho 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa mà cả khu vực Tây Nguyên.

Nguyễn Nghĩa (LĐ Online)

Nguồn: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202312/lam-dong-va-khanh-hoa-thong-nhat-de-xuat-lam-cao-toc-nha-trang-da-lat-be4235e/