Hơn 280 hộ dân tại thôn Bàng Sơn, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tự quên góp mỗi hộ hàng chục triệu đồng để kéo điện về sinh hoạt trong gia đình, mỗi lần mưa lũ, bà cùng nhau góp tiền khắc phục hậu quả… Điều đáng nói, những công trình dân sinh này chưa thực sự nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Dân tự làm điện
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đinh Thiên Tượng (trưởng thôn Bàng Sơn) cho biết, thôn Bàng Sơn có hơn 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thôn được thành lập từ năm 1993, có tổng cộng 3 xóm: xóm 1, xóm 2, xóm 3 với hơn 280 hộ dân. Cách đây 23 năm, người dân thôn Bàng Sơn thiếu thốn mọi thứ: xa trạm y tế, trường học, con đường liên thôn, liên xã chưa được mở rộng, đường điện không có… đèn dầu thắp sáng mỗi đêm.
Trước tình hình đó, người dân thôn Bàng Sơn đã có cuộc họp và quyết định quyên góp tiền để xây dựng trụ điện chính nối từ thôn 11, xã Tân Thanh. Năm 2012, trụ điện chính được xây dựng với tổng số tiền 695 triệu đồng. Ông Tượng chia sẻ: “280 hộ dân thôn Bàng Sơn đã tự nguyện góp 695 triệu đồng để xây trụ điện chính, trụ chính này nối từ đường điện của thôn 11 với đường dây dài gần 2km. Số tiền trung bình mỗi hộ quên góp khoảng 3.5 triệu đồng”.
Mặc dù đã có trụ chính, nhưng để nối đường dây điện từ trụ chính về từng hộ dân thì người dân trong thôn tự bỏ tiền mua dây điện. Theo đó, có hộ gia đình phải bỏ cả chục triệu để dẫn đường điện về tới nhà. Anh Đàm Văn Truyền (34 tuổi, ngụ xóm 1) cho biết: “Xóm 1 cách trụ điện chính khoảng 3km, gia đình tôi tự nguyện góp 3,5 triệu đồng làm trụ điện chính, nhưng để nối đường dây điện từ trụ chính về nhà, tôi phải bỏ thêm 8 triệu đồng”. Không chỉ gia đình anh Truyền, hộ anh Đàm Hồng Luận, Nguyễn Quốc Tịch, Hoàng Văn Thái, Nông Quang Ngọc… cũng bỏ hơn chục triệu để nối đường dây điện.
Để nối đường dây điện, nhiều hộ dân phải mua trụ điện phụ dẫn dây điện về nhà, nhưng do điều kiện khó khăn, hàng trăm hộ dân nơi đây đã bỏ công sức lên rừng, chặt cây gỗ về làm trụ điện phụ… Anh Nông Quang Ngọc cho biết: “Hộ gia đình người ta, từ việc xây trụ chính, đến nối điện về nhà đều được nhà nước tạo điều kiện, còn ở thôn Bàng Sơn, 100% số vốn là của bà con tự gom góp….”. Chỉ tay lên trụ điện phụ, anh Ngọc cho biết thêm, chúng tôi tự lên rừng chặt cây gỗ đem về làm trụ điện phụ…
Dân góp 80 triệu làm đường… 2 năm đường vẫn chưa xong?
Ông Tượng khẳng định: “từ khi có điện đời sống người dân Bàng Sơn đỡ vất vả hơn, nhiều gia đình mua tivi để xem tin tức, mua nồi cơm điện, bếp từ… để đỡ cơ cực trong việc bếp núc. Có điện, bà con chủ động hơn…
Mặc dù đã có điện, nhưng người dân Bàng Sơn vẫn mong muốn chính quyền quan tâm, đầu tư nâng cấp con đường liên thôn, liên xã… Đặc biệt đối với 40 hộ dân của xóm 1, trao đổi với chúng tôi, người dân nơi đây bức xúc. Tháng 10.2014, gần 1,5km đường xóm 1, thôn Bàng Sơn sạt lở nghiêm trọng, nhân dân không thể đi lại. Được UBND xã Tân Thanh đồng ý kiến nghị đầu tư công trình đường giao thông nông thôn với quy mô sửa chữa cải tạo: Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 1,5km. UBND huyện Lâm Hà đã có văn bản đồng ý. Nhân dân xóm 1, thôn Bình Sơn đã tự nguyện góp 80 triệu đồng làm đường và nộp vào ngân sách xã Tân Thanh. Vậy nhưng đến nay đã 2 năm trôi qua, con đường vẫn chưa được thi công.
Anh Hoàng Văn Thái (50 tuổi, ngụ xóm 1, thôn Bàng Sơn cho biết: “Sau khi mưa lũ làm sạt lở gần 1,5km đường xóm 1, gia đình tôi đã tự nguyện góp 3,7 triệu đồng để nâng cấp, tu sửa, cũng như khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Vậy mà đến nay, đã 2 năm trôi qua, tôi không hiểu tại sao con đường của xóm vẫn không được nâng cấp, dân vẫn đi lại khó khăn”. Hiện hàng chục hộ dân xóm 1, thôn Bàng Sơn đang rất bức xúc về vấn đề này…
Lâm Thao (Báo Lao Động, 04/07/2016)