Hơn 1 năm qua, tình trạng xe “hổ vồ” (xe ben trọng tải lớn) chở vật liệu như cát, đá, gạch, xi măng… liên tục hoành hành cày nát tuyến đường Đội 12 đi qua 3 thôn Hương Thủy, Hương Sơn, Hương Thanh (xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh) đã gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trong suốt hơn 1 năm qua, người dân các thôn Hương Thủy, Hương Sơn và Hương Thanh hết sức bức xúc khi ngày đêm nhìn xe “hổ vồ” “cõng” hàng chục tấn cát, đá, xi măng và gạch băm nát tuyến đường dân sinh Đội 12. Tuyến đường này nối với Tỉnh lộ 721 và nằm đối diện trung tâm xã Hương Lâm. Đường có tổng chiều dài khoảng 10 km và có trọng tải 13 tấn; trong đó, có 5 km được thảm nhựa nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của hơn 300 hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, hơn 1 năm qua kể từ khi Dự án hồ chứa nước Đạ Lây được triển khai xây dựng, thì hàng ngày tuyến đường Đội 12 phải liên tục “gồng mình” “cõng” hàng loạt xe quá tải chở vật liệu đi qua. Theo quan sát, mỗi xe chở vật liệu có trọng tải từ 30 – 40 tấn cứ thế liên tục rồ ga chạy làm đường xuống cấp nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thị Vân, người dân ngụ tại thôn Hương Thanh bức xúc: “Thời gian qua, nắng cũng như mưa, xe chở vật liệu vào hồ Đạ Lây cứ đua nhau chạy cả ngày lẫn đêm làm náo loạn cả khu dân cư. Đường chỉ có trọng tải 13 tấn, nhưng xe chở hàng chục tấn thử hỏi làm sao chịu nổi. Mùa nắng thì bụi bay mù mịt cả xóm làng, còn mùa mưa thì xe cày nát đường tạo thành hố sâu sình lấy khiến người dân chúng tôi đi lại rất khó khăn”.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường này được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ và đưa vào sử dụng từ năm 2001. Tuy nhiên, gần đây, xe chở vật liệu qua lại liên tục khiến mặt đường bị sụt lún, nứt nẻ chi chít “ổ voi”, “ổ gà”. Đường thì ngày ngày bị xuống cấp, trong khi đó đơn vị thi công hồ Đạ Lây không hề tu bổ, sửa chữa khiến người dân không khỏi lo lắng, bức xúc. Ông Nông Văn Hiếu, người dân sống bên cạnh tuyến đường này phản ánh: “Như anh đã biết, suốt tuyến đường này đâu đâu cũng có “ổ voi”, “ổ gà” nên bà con chúng tôi đi lại vất vả lắm. Năm ngoái, “ổ voi”, “ổ gà” chỉ mới xuất hiện ở thôn Hương Sơn, nhưng nay đã kéo đến hết cả thôn Hương Thanh rồi. Giờ đây trên đường còn có cả những hố sâu tới 0,5 m nên người dân đi xe máy phải chui cả vào vườn của bà con để né tránh. Ban ngày còn đỡ, chứ ban đêm bà con đi xe máy bị té ngã liên tục. Có người sập “ổ voi” té đứt cả gân đầu gối rồi. Tội nhất là các cháu học sinh, khi đi xe đạp qua đây phải dắt bộ làm quần áo lấm lem bùn đất. Nếu tình hình này kéo dài mà đường không được sửa chữa, tu bổ thì chẳng mấy chốc sẽ tan nát cả thôi”.
Theo người dân nơi đây, việc đường Đội 12 bị xe quá tải cày nát không chỉ làm cản trở việc đi lại của họ mà còn luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ông Đặng Văn Minh, thôn Hương Sơn than thở: “Trước đây, đường nhựa phẳng lỳ, sạch sẽ nên bà con chúng tôi đi lại an toàn. Nhưng, giờ thì tuyến đường này đã bị xe quá tải cày nát hết rồi. Hơn nữa do mặt đường quá hẹp, mỗi lần có xe ô tô chạy trên đường, chúng tôi phải tránh qua một bên rồi mới dám đi, nếu không thì xảy ra tai nạn như chơi. Việc đường bị xe quá tải làm hư hỏng, người dân đã nhiều lần phản ánh lên xã và huyện nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì”. Ông Nguyễn Văn Sinh, thôn Hương Thanh tiếp lời: “Việc Nhà nước đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đạ Lây như hiện nay, người dân chúng tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi. Nhưng, để xe chở vật liệu cày nát đường mà không chịu tu bổ, sửa chữa là không thể chấp nhận được. Tuyến đường này cũng là của Nhà nước bỏ vốn đầu tư phục vụ nhu cầu đi lại của bà con. Đây là tuyến đường duy nhất vào hồ Đạ Lây, nhưng xe quá tải chạy làm đường hư mà không chịu sửa chữa, tu bổ thì dân chúng tôi biết lấy đường đâu mà đi lại”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Văn Tố, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho biết: “Chúng tôi biết rằng, tất cả những xe chở vật liệu vào xây dựng hồ Đạ Lây đều vượt quá nhiều lần so với tải trọng của tuyến đường Đội 12. Nhưng đây lại là tuyến đường do huyện quản lý nên chúng tôi không thể cấm. Những gì mà người dân phản ánh về việc xe quá tải làm hư hỏng đường, chúng tôi đều đã ghi nhận. Vẫn biết rằng, hồ Đạ Lây đang trong giai đoạn thi công nên nhu cầu vận chuyển vật liệu rất lớn. Đây chính là nguyên nhân làm toàn bộ tuyến đường bị hư hỏng nhanh. Trong đó, đoạn qua thôn Hương Thanh đang bị hư hỏng nghiêm trọng nhất. Chúng tôi cũng đã đề xuất lên huyện để xin kinh phí sửa chữa lại đường, nhưng đến nay vẫn chưa có. Để người dân yên tâm và hạn chế đường bị hư hỏng thêm, đề nghị đơn vị thi công hồ Đạ Lây cần phối hợp với chính quyền địa phương để có biện pháp và phương án khắc phục, sửa chữa”.
Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 15/08/2016)