Nhiều nhà vườn tại tỉnh Lâm Đồng đang đau xót phải nhổ bỏ cả vườn hoa cúc vì bị virus đốm héo cà chua TSWV (Tomato spotted wilt virus) gây hại, ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 99 tỷ đồng.
Trước đó, Dân Việt đã thông tin, nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng đang đau đầu tìm cách chữa bệnh cho cây hoa cúc do virus đốm héo cà chua TSWV gây ra. Tuy nhiên, loại virus này vẫn chưa có thuốc đặc trị khiến người nông dân thua lỗ nặng.
Ngay sau đó, Chị cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (BVTV) tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại ban đầu của người nông dân. Cũng theo Chi cục, tại TP. Đà Lạt, huyện Lạc Dương và xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) hiện tượng hoa cúc bị bệnh sọc thân do virus gây hại với tỉ lệ từ 10 – 70%.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tính đến đầu tháng 5, toàn tỉnh có 1.370 ha hoa cúc (canh tác trong nhà kính chiếm khoảng 90%). Bệnh sọc thân do virus gây hại nặng ở giống cúc farm, đại đóa, kim cương vàng. Ngoài ra các giống như saphir, mai cam, mai vàng cũng bị ảnh hưởng nhưng mức độ nhẹ hơn.
Nhận định của Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng thì bệnh dịch này xuất hiện và gây hại cho cây hoa cúc ở các giai đoạn sinh trưởng của cây. Ngoài ra, một số diện tích bị hại sớm ngay ở giai đoạn 20 – 25 ngày sau khi trồng khiến cây không phát triển được, dẫn đến lụi dần nên người dân buộc phải nhổ bỏ.
Đặc biệt, nếu nhiễm muộn ở giai đoạn cây đã đóng nụ hoặc có hoa thì cây vẫn cho thu hoạch nhưng năng suất giảm do hoa bị méo, cong queo, không nở to…
Ông Lại Thế Hưng – Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng ước tính: “Trung bình, trên một ha trồng được khoảng 600.000 cây hoa cúc. Với tình hình hiện tại, khi thu hoạch có khoảng 92% cây đạt yêu cầu, còn lại 8% cây không đạt chất lượng. Giá bán hiện đạt khoảng 2.000 đồng/cành đạt yêu cầu, thu hoạch 552.000/ha thì doanh thu ước đạt 1,1 tỷ đồng”.
Cũng từ đó, Chi cục đã dự ước thiệt hại về kinh tế do bệnh sọc thân gây hại khoảng 99,4 tỷ đồng. Được biết, đến nay tổng diện tích hoa cúc bị bệnh là khoảng 526ha, chiếm khoảng 38,4% diện tích trồng. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ khoảng 312ha, nhiễm trung bình 146ha, nhiễm nặng 68ha và diện tích nhổ bỏ khoảng 2,5ha.
Trong thời gian qua, Chi cục đã tổ chức 3 lớp tập huấn tại Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương nhằm hướng dẫn cho người dân cách phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại hoa cúc đặc biệt là bệnh sọc thân. Ngoài ra, đơn vị cũng đã phối hợp với các chuyên gia của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thực tế và lấy mẫu tại một số vườn hoa cúc bị bệnh để giám định nhằm phát hiện nấm bệnh, vi khuẩn, tuyến trùng gây hại trên thân, lá, rễ cây.
Văn Long (Báo Dân Việt, 21/05/2019)