Người dân mua pháo hoa về đốt trong dịp Tết là vi phạm Nghị định của Chính phủ. Hành vi đốt pháo bị phạt tiền đến 10 triệu đồng.

Theo Bộ Công an, Điều 5 Nghị định số 36 ban hành ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo quy định chỉ các tổ chức hay địa phương mới được phép tổ chức bắn pháo hoa.

Các loại pháo được phép sử dụng gồm có: Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng cho phép; pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

CSGT phát hiện một vụ vận chuyển pháo hoa. Ảnh Minh Lộc.

Đối với các loại pháo hiệu, chỉ được dùng trong hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

Các sản phẩm khác được phép sử dụng như pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại pháo hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại, que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Điều 4 Nghị định nói trên nghiêm cấm các hành vi: Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ; sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

Ngoài ra, theo Nghị định 167 năm 2013, cá nhân mua pháo hoa về bắn trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi mua, bán pháo trái phép.

Người có hành vi vi phạm này bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Hoàng Lam (Theo Zing, 29/01/2019)