Chiều 15/9, tại Cảng hàng không Liên Khương, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Cảng vụ hàng không Miền Nam Việt Nam và lãnh đạo Cảng hàng không Liên Khương để rà soát thủ tục và phối hợp triển khai việc nâng cấp, công bố Cảng hàng không Liên khương lên Cảng hàng không quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng, Sở Y tế; lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng, Chi cục Hải quan Đà Lạt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; lãnh đạo Cảng vụ hàng không Miền Nam Việt Nam và Cảng hàng không Liên Khương.
Theo báo cáo của Cảng hàng không Liên Khương, Cảng này hiện là Cảng hàng không nội địa phục vụ hoạt động bay dân dụng và hoạt động bay quân sự, tiếp nhận các chuyến bay quốc tế không thường lệ và nội địa thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân, các loại tàu bay quân sự, cùng các loại tàu bay khác khi được cấp phép khai thác. Cảng hàng không Liên Khương có 1 đường cất hạ cánh kích thước dài 3.250 m x rộng 45 m, lề nhựa rộng 7,5 m; kết cấu bê tông nhựa; sức chịu tải: PCN= 50/F/C/X/T. Cảng có khả năng tiếp thu các tàu bay code D và tương đương trở xuống như các loại máy bay B757, A300, A320, A321, ATR72…
Đường lăn song song kích thước dài 819m x rộng 23m, lề nhựa rộng 7,5 m; kết cấu bê tông nhựa, sức chịu tải: PCN= 53/F/B/X/T. Đường lăn E1 kích thước: dài 241,36 m x rộng 23 m, lề nhựa rộng 7,5 m; kết cấu bê tông nhựa, sức chịu tải: PCN= 53/F/B/X/T. Đường lăn E2 kích thước: dài 315,35 m x rộng 23 m, lề nhựa rộng 7,5 m; kết cấu bê tông nhựa, sức chịu tải: PCN= 53/F/B/X/T.
Cảng có 2 sân đỗ tàu bay. Sân đỗ tàu bay số 1 có diện tích 72.341,85 m2 kết cấu bê tông xi măng, sức chịu tải: PCN = 53/R/C/X/T và 88/R/B/W/T. Số lượng 14 vị trí đỗ cho các loại tàu bay Code D trở xuống. Sân đỗ tàu bay số 2 có diện tích 12.705 m2 kết cấu bê tông nhựa, sức chịu tải: PCN= 50/F/C/X/T, số lượng 2 vị trí đỗ cho các loại tàu bay Code C trở xuống.
Nhà ga hành khách có diện tích xây dựng 8.613 m2, gồm có 2 tầng có tổng diện tích xây dựng 12.374 m2, trong đó ga đi/đến nội địa 5.004 m2; Ga đi/đến quốc tế 4.968 m2. Công suất thiết kế nhà ga tương ứng 2 triệu hành khách/năm, tương đương 830 hành khách/giờ cao điểm (trong đó quốc nội 415 hành khách/giờ cao điểm và quốc tế 415 hành khách/giờ cao điểm).
Dự kiến tháng 11/2023, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP sẽ khởi công dự án “Sửa chữa, cải tạo phòng CIP, phòng chờ số 1 và khu vực làm thủ tục ga đi – Cảng hàng không Liên Khương” nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà ga hành khách và đặc biệt là đáp ứng điều kiện khai thác khi Cảng hàng không Liên Khương được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế.
Căn cứ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì Cảng hàng không Liên Khương đã được quy hoạch thành Cảng hàng không quốc tế trong giai đoạn đến năm 2030. Căn cứ quy định về điều kiện cho phép chuyển Cảng hàng không nội địa thành Cảng hàng không quốc tế tại Điều 40 Nghị định 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP đã đề xuất kế hoạch, lộ trình chuyển đổi dự kiến trong thời gian 5 tháng (từ ngày 15/7/2023 đến 15/12/2023) trình Cục Hàng không Việt Nam xem xét hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục chuyển đổi.
Do đó, Cảng hàng không Liên Khương đề nghị các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp trong quá trình khai thác các chuyến bay quốc tế: Cảng vụ hàng không, Hải quan, Công an cửa khẩu, Kiểm dịch y tế quốc tế nhất trí với chủ trương chuyển đổi Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang triển khai điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Với việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể của Cảng hàng không Liên Khương phù hợp với việc nâng cấp lên Cảng hàng không quốc tế.
Hiện nay, với điều kiện cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế nên Cảng hàng không Liên Khương chỉ đáp ứng điều kiện làm việc tối thiểu cho các đơn vị bên trong nhà ga hành khách. Do đó, Cảng hàng không Liên Khương đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm, hỗ trợ thêm điều kiện vật chất phục vụ công tác chuyên môn cho các đơn vị như: Hải quan, Công an cửa khẩu, Kiểm dịch y tế quốc tế để phù hợp điều kiện phục vụ khai thác sau khi Cảng hàng không Liên Khương chuyển đổi thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc ghi nhận những kiến nghị của Cảng hàng không Liên Khương. Đồng chí nhấn mạnh, trên cơ sở hiện trạng và hoạt động khai thác các chuyến bay quốc tế tại Cảng hàng không Liên Khương trong thời gian qua thì việc nâng cấp, công bố Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương là Cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên, khi có các đường bay thường lệ quốc tế đi/đến Liên Khương sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội, du lịch cho khu vực các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, đề nghị các đơn vị, sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ Cảng hàng không Liên Khương để sớm hoàn thiện các quy chế phối hợp, văn bản hiệp đồng phục vụ thủ tục Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế; hỗ trợ triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương.
Nguyễn Nghĩa (Báo Lâm Đồng)