Chị là Nguyễn Thị Nguyệt Minh (49 tuổi), chủ cửa hàng vá vỏ xe ô tô Kim Thanh tại TP Đà Lạt. Dường như ở TP Đà Lạt, chỉ có mình chị Minh là phụ nữ làm nghề vá và thay vỏ xe ô tô, nhưng lại được đánh giá tay nghề cứng và điệu nghệ.

Công việc vá vỏ năng nhọc, vất vả nhưng chị Minh vẫn gắn bó hơn 17 năm qua

• TỪ NGHỀ UỐN TÓC ĐẾN VÁ LỐP XE

Dù làm công việc nặng nhọc của đàn ông, nhưng dáng hình chị vẫn mảnh mai, làn da trắng và vẫn luôn vui vẻ trò chuyện với khách hàng trong khi hai tay vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Chị Nguyệt Minh chia sẻ: Trước khi lấy chồng, tôi làm nghề uốn tóc… vốn là công việc nhẹ nhàng. Nhưng rồi duyên nghiệp đưa đẩy, khi tiệm vá vỏ xe của bố tôi chưa tuyển được thợ, mỗi lần ra chơi mà có khách đông không có ai phụ, bố tôi hướng dẫn tôi làm từng việc nhỏ trong tiệm. Theo thời gian, tôi dần quen việc và nối nghiệp của bố và ông bà nội làm nghề vá vỏ xe lúc nào không hay. Cửa hàng Kim Thanh là tên của bà nội tôi, hai ông bà làm nghề thay và vá vỏ ô tô tại Bến xe Tùng Nghĩa (khu Hòa Bình, TP Đà Lạt) hơn 70 năm trước. Khi ông bà già yếu được bố tôi tiếp quản và nay đến lượt tôi.

Hàng ngày, cửa hàng của chị mở cửa từ 6 giờ 30 đến 17 giờ 30 và dường như lúc nào cũng tấp nập xe cộ. Có những hôm mới tới cửa hàng đã có xe đậu sẵn chờ vá hoặc thay vỏ. Chưa kịp ăn sáng chị phải đeo găng tay làm việc luôn đến trưa để khách hàng không phải đợi lâu. Chị Minh kể: Mỗi ngày trung bình cửa hàng vá và thay hơn 80 vỏ xe các loại, trong đó khoảng 50 vỏ ô tô, còn lại là xe máy. Ngoài chị Minh còn có thêm 4 thợ được chị dạy nghề và đến nay đã thành thợ cứng của tiệm.

Với các thao tác phối hợp nhuần nhuyễn, chỉ trong tích tắc chiếc vỏ được tháo ra khỏi niềng

• UY TÍN VÀ KẾ THỪA THƯƠNG HIỆU CỦA ÔNG CHA

Nghề mua bán và vá vỏ xe ô tô các loại đã có từ thời ông bà nội của chị Nguyệt Minh. Đến chị là đời thứ 3 liên tiếp nối nghề này. Hỏi vài chú lái xe lâu năm đến vá vỏ, mọi người đều có chung nhận xét là rất yên tâm khi mang xe đến đây vá hoặc thay lốp mới. Anh Phạm Khánh An (tại Phường 6, TP Đà Lạt) cho biết: Hơn 3 năm qua, anh đều đến cửa hàng của chị Minh vá hoặc thay vỏ vì chỗ này vá vỏ vừa nhanh gọn, kỹ lưỡng nhưng giá lại mềm hơn những nơi khác. Còn anh Võ Văn Sáu (một tài xế ta xi) chia sẻ: “Chị Minh làm việc rất uy tín, vui vẻ và tính giá ưu đãi nên anh em ta xi tụi tôi thường chọn đến vá hoặc thay vỏ xe.
Khi tôi hỏi có khi nào chị nghĩ sẽ thôi nghề nặng nhọc này để chọn việc nhẹ nhàng hơn không, chị bảo vẫn không thể bỏ cái nghề mà mình yêu thích này được. Chị cho biết: Sau này nếu không còn sức khỏe nữa, nghề sẽ được truyền lại cho thế hệ con cháu. Hiện nay, con trai của chị đang theo học tại Trường Đại học Bách Khoa, nhưng lại yêu thích nghề dạy học hơn. Nếu sau này có thợ nào, hoặc cháu trong gia đình muốn nối nghiệp thì chị sẽ truyền nghề và chuyển qua quản lý cửa hàng.

Vất vả là vậy nhưng với chị Nguyệt Minh công việc này không chỉ là niềm vui, niềm đam mê của chị, mà còn là nghề truyền thống từ thời ông bà, đến bố mẹ, và nay đến lượt chị cần được phát triển và duy trì ổn định hơn nữa. Với những nỗ lực ấy, chị xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo về tinh thần cần cù, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Bình An (Báo Lâm Đồng, 8/3/2022)

Nguồn: http://baolamdong.vn/xahoi/202203/nguoi-phu-nu-va-vo-xe-co-1-khong-2-o-da-lat-3106039/