Nhiều gia đình ở TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) có nhu cầu xây dựng nhà ở nhưng UBND TP.Đà Lạt không thể cấp phép vì vướng quy định “khu vực đất ở mật độ thấp”.
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Đà Lạt (Phòng QLĐT Đà Lạt), thời gian gần đây có hàng chục trường hợp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở liên kế nhưng Phòng phải trả lại hồ sơ, đề nghị điều chỉnh sang nhà biệt lập sân vườn mới có thể cấp phép.
Đơn cử trường hợp ông Phạm Minh, từ tháng 8.2011 được UBND TP.Đà Lạt cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở lâu dài lô đất diện tích 116,5 m2 tại hẻm Phù Đổng Thiên Vương, P.8 (Đà Lạt).
Tháng 9.2016, ông Minh nộp hồ sơ xin xây dựng nhà liên kế sân vườn quy mô 1 trệt 2 lầu, nhưng bị trả lại với lý do thuộc khu vực đất ở mật độ thấp, chưa phù hợp theo Quyết định 704/QĐ-TTg ngày 15.5.2014 (QĐ 704).
Tương tự, các hộ Nguyễn Văn Qui, đường Mê Linh, P.9 (Đà Lạt), Nguyễn Phi Phụng, đường Đồng Tâm, P.4 (Đà Lạt)… và hàng chục hộ khác đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đã nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất, theo Quyết định 36/2015/QĐ-UBND ngày 27.5.2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng được quy định là nhà liên kế sân vườn. Tuy nhiên nay không thể cấp phép xây dựng nhà liên kế sân vườn vì vướng QĐ 704.
Theo Phòng QLĐT Đà Lạt, trên địa bàn có 4 khu vực người dân bị “vướng” nhiều nhất gồm đường Phù Đổng Thiên Vương (sau cây xăng), Trần Khánh Dư thuộc P.8, đường Đồng Tâm (P.4), đường Mê Linh (P.9)… có những hộ đã được chuyển mục đích sử dụng đất ở cả 10 năm trước.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết thêm trong Thông báo số 66/TB-UBND ngày 14.3.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: “Đối với các khu dân cư đường hẻm có chỉ tiêu mật độ xây dựng thấp theo QĐ 704, trước mắt chỉ giải quyết thủ tục về đất đai và xây dựng cho các trường hợp xây dựng biệt thự biệt lập; chưa xem xét giải quyết các trường hợp xây dựng nhà liên kế, nhà phố để tránh tình trạng chia thành những lô đất nhỏ, lẻ không theo quy hoạch”.
Còn theo Quyết định 01/2016/QĐ-UBND ngày 7.1.2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng với các trường hợp trên, UBND TP.Đà Lạt chỉ có thể cấp phép xây dựng có thời hạn (không quá 5 năm), do đó các hộ có nhu cầu xây dựng phải điều chỉnh thiết kế kiến trúc từ nhà liên kế sân vườn 1 trệt, 2 lầu mật độ xây dựng tối đa 80%, sang nhà biệt lập 1 trệt 1 áp mái, mật độ xây dựng chỉ được 40% diện tích.
Trước những vướng mắc và bức xúc chính đáng của người dân, cuối tháng 10.2016, UBND TP.Đà Lạt giao Phòng QLĐT và Phòng TN-MT kiểm tra rà soát các trường hợp bị “vướng” khu vực đất ở mật độ thấp, đã được chuyển mục đích sử dụng đất trước đây, tổng hợp hồ sơ tham mưu, đề xuất UBND TP.Đà Lạt để báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Ông Trình cho biết quan điểm của lãnh đạo TP.Đà Lạt thống nhất đề xuất tỉnh giải quyết các trường hợp đã tách thửa hợp pháp được quy hoạch liên kế trước khi QĐ 704 ra đời, thì vẫn được cấp phép xây dựng nhà liên kế sân vườn 1 trệt, 2 lầu theo hướng tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên còn phải chờ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng xem xét và quyết định.
Lâm Viên (Báo Thanh Niên, 21/20/2016)