Nhiều người trồng atiso tại Đà Lạt đã thu lãi 400-500 triệu đồng/ha từ cây atiso nhờ lá của loại cây này được chế biến thành sản phẩm giải rượu, bia và làm đẹp cho phụ nữ.
Theo những người trồng atiso lâu năm ở Đà Lạt, trước đây atiso thường chỉ được người trồng thu hoạch phần hoa dùng để chế biến thực phẩm tươi hầm xương, nấu nước uống… Về sau, người ta tận dụng loại cây này tối đa từ thân, lá, bông, rễ để chế biến thành món ăn tươi, cao, trà, mứt…
Việc lá atiso được thu mua để chế biến thành cao atiso là điều bất ngờ với nhiều nông dân Đà Lạt. Các dược sĩ tại Công ty cổ phần dược Lâm Đồng (Ladophar) phát hiện trong lá atiso chứa rất nhiều cynarin, có thành phần dược tính mạnh, hữu ích đối với gan, mật, thận…
Không lâu sau đó, Rohto Health Science – doanh nghiệp chuyên về dược phẩm và mỹ phẩm của Nhật tìm đến Đà Lạt hợp tác để sản xuất ra các sản phẩm giải rượu, bia và làm đẹp từ lá atiso.
Theo bà Haruka So, đại diện đơn vị này, atiso được chế biến thành thức uống giúp đào thải cồn, giảm các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu bia. Bà cho biết, ở Nhật Bản không trồng được loại cây này thành những vùng chuyên canh lớn như tại Đà Lạt.
Người trồng atiso cung cấp cho đối tác Nhật ngoài việc phải trồng theo chuẩn VietGAP, còn phải đáp ứng tiêu chuẩn GACP về thực hành tốt trong trồng trọt và thu hái dược liệu, không dùng hóa chất, phân bón hóa học…
Ông Đặng Thế Lan, một nông dân trồng atiso lâu năm tại xã Xuân Thọ, Đà Lạt cho biết, nhờ lá atiso bán được giá (2.100 đồng/kg lá tươi) mà doanh thu từ khu ruộng atiso 7.000m2 của gia đình ông thu lãi 400-500 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.
Đăng Thư (Theo Phunuonline.com.vn)