Ngày 26/3, tại kỳ họp thứ 18 – HĐND tỉnh khóa IX, kỳ họp cuối nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Một trong những nghị quyết đó là thông qua Đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Bảo Lộc, Bảo Lâm nói riêng và Nhân dân Lâm Đồng nói chung.
Trên cơ sở Tờ trình số 1493 ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 để các đại biểu HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh xem xét, cho ý kiến; sau khi Ban Pháp chế báo cáo thẩm tra đồ án, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Đức Quận đã ký ban hành nghị quyết. Theo đó, đồ án đã được HĐND tỉnh chính thức thông qua, tiếp tục tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh, giao UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến thống nhất trước khi phê duyệt theo thẩm quyền. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch sau khi đồ án được phê duyệt.
Đến nay, đồ án đã được tổ chức lập, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đảm bảo trình tự, thủ tục theo đúng quy định. Đồng thời, đồ án cũng đã được hoàn chỉnh theo các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tổng diện tích tự nhiên của phạm vi, ranh giới lập quy hoạch là 597,71 km2 (59.771 ha), gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Bảo Lộc với 6 phường, 5 xã và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm gồm 5 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc. Định hướng quy mô dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 257.900 người và đến năm 2040 khoảng 320.000 người.
Định hướng phát triển đô thị sẽ theo mô hình đô thị trung tâm và cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh. Đó là hướng phát triển đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng. Trong đó, thành phố Bảo Lộc là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ. Vùng phụ cận sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông nghiệp, nông nghiệp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc.
Theo đồ án đã được phê duyệt, đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc sẽ bao gồm nhiều phân khu: phân khu hiện trạng sẽ được chỉnh trang theo hướng xác định giá trị cốt lõi, bảo tồn, phát huy bản sắc kiến trúc, lịch sử văn hóa của Bảo Lộc. Phân khu Công viên hồ Nam Phương sẽ phát triển thành trung tâm sinh thái độc đáo, kết nối không gian thiên nhiên, cây xanh, mặt nước với trung tâm đô thị. Phân khu phía Bắc sẽ phát triển theo hướng trung tâm hành chính cấp vùng, thương mại dịch vụ. Phía Nam sẽ giữ nguyên Khu công nghiệp Lộc Sơn và phát triển các ngành công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Phía Tây, phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực cho tỉnh và vùng Tây Nguyên.
Đối với khu vực tuyến đường vành đai xanh là vùng không gian đệm, quy hoạch các cực phát triển đô thị với chức năng đặc thù. Khu vực vùng phụ cận ngoài tuyến đường vành đai được xác định núi Đại Bình, núi Sa Pung, sông Đại Bình, sông Đại Nga là khu vực khai thác du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe. Phát triển các khu vực tạo động lực, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm gồm: Trung tâm liên xã Lộc An, cụm du lịch xã Đạm B’Ri, Đại Lào… Tại kỳ họp, ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng đã báo cáo tờ trình xin ý kiến HĐND tỉnh, nêu bật những mục đích, ý nghĩa và tính khả thi của Đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040. Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo. Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo xuyên suốt, kết nối thuận lợi từ khu vực quy hoạch với các tuyến đường giao thông ngoài khu vực quy hoạch như cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Quốc lộ 20, 55, các tuyến ngoại thị kết nối thành phố Bảo Lộc đi các vùng phụ cận.
Đồ án quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 được lập và thông qua nhằm đáp ứng vai trò, vị thế mới của thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận. Đồng thời, phát huy thế mạnh của thành phố Bảo Lộc, thúc đẩy địa phương và vùng lân cận phát huy tiềm năng, lợi thế theo hướng tích cực, bền vững.
Đây sẽ là tín hiệu vui nhằm mục tiêu phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025, tiệm cận tiêu chuẩn đô thị loại I vào năm 2040 theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ, xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 – 2025, là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh Lâm Đồng.
Nguyệt Thu (Báo Lâm Đồng, 20/04/2021)