“Tôi nghĩ anh Bắc như hiểu được tình thế của xe khách nên chủ động phanh nhịp nhàng cho xe tôi tiếp tục giảm tốc và dìu từ từ xuống dốc”, tài xế Toàn nói.

Đến chiều 9/9, tài xế Phan Duy Toàn (41 tuổi, ngụ Cần Đước, Long An) đến trụ sở công an huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng phục vụ công tác điều tra vụ ôtô khách được xe tải “dìu” xuống đèo Bảo Lộc, cứu được 30 hành khách trên chuyến xe mất phanh.

Với vẻ mệt mỏi sau vụ mất phanh, tài xế Toàn tâm sự những ngày qua vẫn chưa hết cảm giác hồi hộp lo sợ, không thể chợp mắt khi nhớ lại thời điểm xe khách mất phanh khi đổ đèo Bảo Lộc trong lúc chở 30 người.

“Tôi hút thuốc không nhiều, nhưng mấy ngày qua lại hút liên tục khi nghĩ về thời điểm sinh tử của hơn 30 con người trên xe”, anh Toàn nói.

Người tài xế 41 tuổi nhớ lại, lúc đó khoảng 15h ngày 6/9, anh chở đoàn khách TP Bảo Lộc về TP.HCM, khi chạy trên đèo, cả xe dừng lại thắp nhang tại Miếu Ba Cô rồi khởi hành tiếp về Sài Gòn.

Tài xế Toàn kể về thời điểm xe khách mất lái trên đèo Bảo Lộc.
Tài xế Toàn kể về thời điểm xe khách mất lái trên đèo Bảo Lộc.

Anh Toàn kể: “Qua Miếu được khoảng 2 km, tôi vượt một ôtô nhỏ rồi đạp phanh giảm tốc nhưng thấy không “ăn”, nhìn vào đồng hồ hơi thì thấy cạn mất nên biết chắc đã mất phanh.

Xe càng chạy thì tốc độ tăng cao, tôi phải bấm còi inh ỏi, báo hiệu cho các xe khác tránh và đánh lái liên tục qua khúc cua đèo.

Hành khách lúc này nhốn nháo do thấy xe càng ngày chạy tốc độ cao và bấm còi liên tục.

Chú Bảy Phong (chủ xe kiếm tài xế hai) lúc đó biết vụ việc, liên tục kêu hành khách bình tĩnh để tôi có thể xử lý. Chú nói cho xe tông vào vách núi đi, tôi không đồng ý và nói đường đèo nhỏ mà mình chạy tốc độ cao, va vách núi có thể dội lại rồi rớt vực luôn”.

Quyết định sinh tử

Tài xế Toàn cố gắng né nhiều xe cùng chiều và vượt qua được 4 đoạn cua gắt, còn cách chân đèo hơn 500 m với tốc độ hơn 80 km/h. Lúc này phía trước có một số ôtô và người tài xế xe khách thấy xe anh Bắc là lớn nhất, có chở hàng nên quyết định tông vào vì không còn đường nào khác, có thể phải đâm vào vách núi.

Đèo Bảo Lộc nguy hiểm vì nhiều khúc cua quanh co và mặt đường ké hẹp.
Đèo Bảo Lộc nguy hiểm vì nhiều khúc cua quanh co và mặt đường ké hẹp.

“Với tốc độ cao như vậy, cứ kéo dài thì khó xử lý tiếp được nên phải tìm cách giảm tốc độ. Trong các xe, xe tải chở hàng là khả dĩ nhất nên tôi chủ động đánh lái cho xe trực diện với đuôi.

Khi sắp va chạm tôi đánh lái tránh góc tài xế ra cho xe tông 2/3 đầu vào xe tải vì nếu tông hết, tôi có thể gặp nguy hiểm không thể tiếp tục điều khiển và xe tải có thể lật vì cú tông quá mạnh”, anh Toàn kể.

Sau cú tông, anh Toàn cho biết chiếc xe khách bị dội ngược nên giảm tốc độ còn xuống khoảng 50 km/h và nương theo đuôi xe tải tiếp.

Tài xế xe khách nhận định: “Tôi nghĩ anh Bắc như hiểu được tình thế của xe khách nên chủ động phanh nhịp nhàng cho xe tôi tiếp tục giảm tốc và dìu từ từ xuống dốc. Nếu không có sự chủ động ấy thì xe tải đã phanh gấp thì hai xe gặp tai nạn”.

Nghĩ lại quyết định của mình, anh Toàn cho biết trong thời khắc sinh tử của chuyến xe khách, mình rất bình tĩnh xử lý tình huống. Trong tình huống xấu, người tài xế sẽ quyết định cho xe tông vách nếu bất khả kháng. Tuy nhiên, khi được xe tải dìu xuống chân đèo và dừng lại, người tài xế 41 tuổi lại ngồi “cứng đơ” trên ghế vì lo sợ.

Anh nói: “Lúc đó chân tôi cũng bị kẹt gần vô lăng và nhìn chú Bảy Phong bị kẹt ở đầu xe, tôi lo sợ vì chú ấy bị bệnh tim, sẽ khó qua khỏi tình huống xấu nên cảm thấy mất bình tĩnh.

Vài phút sau mới có thể nhận biết sự việc và đưa chú Phong đi cấp cứu. Trong vụ việc này, ngoài sự kinh nghiệm và tốt bụng của anh Bắc, yếu tố may mắn phù hội chúng tôi rất lớn”.

 

Trong 12 năm theo nghề cầm vô lăng, anh Toàn cho biết đây là lần đầu tiên gặp phải sự cố xe mất phanh. Tài xế xe khách gửi lời cảm ơn đối với anh Bắc đã phối hợp tốt và cứu được chuyến xe với 30 hành khách.

Hàng ngày, người tài xế chạy xe theo hợp đồng khu vực tỉnh Long An và TP.HCM và thỉnh thoảng chạy hợp đồng đi các tuyến Tây Nguyên. Sau sự việc, anh Toàn xin nghỉ ngơi một thời gian để giải quyết vụ việc và tĩnh tâm hơn trước khi quay lại với nghề.

Trường Nguyên (Theo Tri Thức Trẻ, 10/09/2016)