Trồng chuối tiến Vua xuất khẩu sang Nhật Bản đã mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với cà phê, đó là tín hiệu đáng mừng và là đường đi mới của người nông dân Lâm Đồng.
Giữa năm 2018, những tấn chuối đầu tiên của người dân Lâm Đồng đã được xuất khẩu qua Nhật Bản thông qua công ty Chuối Việt tại TP. Hồ Chí Minh. Được biết, gia đình tiên phong trồng chuối Laba tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) là bà Võ Thị Thu.
Đến lập nghiệp tại xã Đạ K’Nàng từ năm 2000, kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác cà phê và buôn bán nông sản, tuy nhiên do giá cả bấp bênh nên gia đình bà Thu đã chuyển qua canh tác chuối khi biết tại địa phương có HTX Phú Sơn xúc tiến trồng chuối Laba để xuất khẩu qua Nhật Bản.
Trước đây, chuối Laba được cung cấp cho hoàng triều Bảo Đại nên được gọi là chuối tiến Vua. Giống chuối này do người Pháp đưa qua vùng đất Phú Sơn, Lâm Hà (Lâm Đồng) trồng cách đây khoảng 100 năm. Chuối trái lớn, hình thức đẹp, có vị ngọt thơm đặc trưng và dẻo.
Tháng 4.2017, vợ chồng bà Thu cùng 3 gia đình khác ở Đạ K’Nàng đã mạnh dạn phá bỏ 5 ha cà phê để trồng hơn 10.000 cây chuối Laba và sau 1 năm đã có thu hoạch. Theo bà Thu, 1 ha trồng được khoảng 2.200 gốc chuối, mỗi năm cho thu hoạch trên 6.000 buồng, mỗi buồng trung bình 30 kg, sản lượng 180 tấn/ha.
Bà Thu cho hay, kỹ thuật chăm sóc chuối Laba khá đơn giản, tuy nhiên do xuất khẩu sang Nhật Bản nên họ yêu cầ khá nghiêm ngặt. Thông thường mỗi gốc chuối sẽ được bỏ 20kg phân chuồng, sau đó mỗi tháng bón 1kg phân NPK để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt, khi chuối trưởng thành, chuẩn bị cho ra buồng sẽ rất cần nước nên cứ 3 – 4 ngày cần tưới nước một lần.
“Người Nhật họ rất khắt khe trong khâu sản xuất, vì vậy mỗi bụi chuối chỉ được để khoảng 4 gốc để đảm bảo chuối sinh trưởng tốt, thời gian mỗi gốc cách nhau khoảng 5 tháng để thu hoạch gối đầu. Sau khi chuối ra buồng đủ lớn người trồng cần cây chống tránh đổ gãy và bọc túi ni lông tránh côn trùng chích làm hỏng quả”, bà Thu chia sẻ.
Bà Thu cho biết thêm, trồng chuối để xuất khẩu nên khó làm hơn cách trồng truyền thống, đặc biệt phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe của đối tác về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kích thước, trọng lượng trái, thời gian cắt… nhưng lại bán được với giá ổn định 8.000 – 9.000 đồng/kg, cho thu nhập rất tốt. Với 1ha trồng được trên 2.000 gốc sẽ giúp người dân lãi khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ các chi phí sản xuất.
Bà Thu vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vừa giới thiệu quy trình đóng gói để những quả chuối được xuất ngoại rất khắt khe. Sau khi đủ ngày, đủ tiêu chuẩn, chuối sẽ được cắt và đưa về xưởng, các buồng chuối được treo cao, rửa sạch trước khi cho vào bể rửa lại lần hai. Tiếp đó, chuối được phân loại quy cách và trọng lượng (theo yêu cầu từng lô hàng) rồi làm khô ráo bằng quạt gió trước khi bao gói và đóng thùng, vận chuyển đi TP.HCM bằng xe lạnh chuyên dụng sau đó xuất sang Nhật Bản.
Từ giữa năm 2018 đến nay, gia đình bà Thu đã xuất khẩu trên 40 tấn chuối Laba sang Nhật Bản. Được biết, đối tác đặt hàng mỗi tuần từ 20 – 30 tấn. Sau thành công bước đầu, hiện bà Thu đang liên kết với một số hộ dân khác trồng thêm 10 ha, để đáp ứng nhu cầu của phía Nhật Bản phải mở rộng diện tích lên 20 ha.
Văn Long (Báo Dân Việt, 06/10/2018)