Cơn sốt đất tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) lan rộng, giá đất nhảy múa từng ngày khiến nhiều người đổ xô đầu tư là cơ hội cho các cò đất trục lợi bất chính, người mua thì ngậm trái đắng, tiền mất tật mang.
Ngày 12-11, phản ánh đến Báo Người Lao Động, ông Đinh Đức Phán (hộ khẩu thường trú tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cho biết mình như ngồi trên đống lửa, chạy đôn chạy đáo khắp nơi khiếu nại khi đầu tư mua mảnh đất nông nghiệp ở Đà Lạt. Sau khi đặt cọc hơn 2,2 tỉ đồng, ông mới phát hiện mảnh đất này cũng sang nhượng cho 1 người khác.
Tiền mất mà đất cũng không có, ông Phán bức xúc cho biết: Ngày 26-3-2018, ông Võ Quốc Đạt và bà Hà Hồng Ngọc có thực hiện việc mua bán cho ông Phán các thửa đất 280, 279, 274 thuộc tờ bản đồ số 71, tổng diện tích 900 m2 (đường Nam Hồ, phường 11, TP Đà Lạt) với giá hơn 3,5 tỉ đồng. Trong lúc chờ hoàn tất giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu đất thì vợ chồng ông Đạt và bà Ngọc đã nhận tiền đặt cọc trước của ông Phán 2,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ tách sổ thì ông Phán phát hiện là bên vợ chồng bà Ngọc đã bán những thửa đất trên cho 1 người khác. Hiện vụ việc khiến ông Phán đang mất hơn 2,2 tỉ đồng tiền đặt cọc. Ông báo cáo vụ việc đến các cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhưng vẫn chưa được giải quyết. “Sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã nộp đơn tố cáo hành vi lừa đảo đến Công an phường 11, UBND phường 11, Công an TP Đà Lạt, Công an tỉnh Lâm Đồng… Qua nhiều đợt làm việc, Công an TP Đà Lạt đã có văn bản đề nghị gia đình ông Đạt và bà Ngọc hoàn trả lại tiền nhưng đến nay đã hơn 1 năm, tôi vẫn chưa nhận được tiền” – ông Phán bức xúc.
Tương tự ông Phán, bà Thái Hoàng Nguyên (45 tuổi, ngụ TP HCM) thông qua môi giới bất động sản trên các trang mạng xã hội đã đầu tư 5 tỉ đồng mua 1 thửa đất tại đường 3 tháng 4, TP Đà Lạt nhưng bị dính quả đắng. “Sau khi phát hiện đối tượng lừa đảo bán mảnh đất này ít nhất cho 5 người khác, gia đình tôi đã trình báo công an địa phương và công an TP Đà Lạt nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo này” – bà Nguyên nói.
Trong khi đó, chị Trần Thị Nga, ngụ tại TP Đà Lạt đầu tư cùng 1 người bạn mua mảnh đất khu vực An Sơn, phường 5, TP Đà Lạt, giá 3,2 tỉ đồng. “Sau khi ký giấy viết tay thỏa thuận đặt cọc 400 triệu đồng, hẹn 2 tuần sau hoàn tất tách sổ quyền sử dụng đất thì phát hiện ra mảnh này cũng được đối tượng bán cho nhiều người khác, ngay lập tức tôi điện thoại người đứng tên bán đất thì không liên lạc được. Do tin tưởng nên tôi không tìm hiểu kỹ, giờ phát hiện bị lừa thì cũng đã muộn” – chị Nga ngậm ngùi.
Ông Lê Văn Tây, Chủ tịch UBND phường 11, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết thời gian gần đây, chính quyền nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại về việc mua bán, sang nhượng đất trái phép, những tranh chấp mang tính dân sự phức tạp. Hiện các vụ việc đã được chuyển sang công an để điều tra và có hướng xử lý. “Cũng từ tin sốt đất ảo nên nhiều khu vực đất rừng bị phân lô, bán nền trái phép, xảy ra tình trạng hàng loạt cây thông bị đầu độc, triệt hạ với mục đích lấn chiếm đất. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa, nhổ bỏ và tạm giữ toàn bộ các cọc bê tông, cọc sắt đóng trên diện tích đất rừng để phân lô, chia ranh giới bất hợp pháp” – ông Tây nói.
Luật sư Dương Thị Nhung thuộc Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng cho biết : “Hiện nay việc mua bán bất động sản Đà Lạt hết sức sôi động, phức tạp, rao bán đất như bán “vịt trời”. Một mảnh mà cùng lúc bán cho nhiều người. Không phải đất của mình nhưng đã đứng ra bán đất cho người khác để lấy tiền là hành vi lừa đảo. Những vụ việc như thế đã vi phạm nghiêm trọng về luật hình sự. Nếu hồ sơ đầy đủ cần khởi tố vụ án” – luật sư Nhung nói.
Đình Thi (Báo Người Lao Động, 12/11/2019)