Chiều thu, mưa rơi nhẹ, trong con hẻm cuối phố Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), ngân vang nhiều thanh âm khác nhau mô phỏng tiếng hót của các loại chim muông, tiếng kêu thú rừng, rồi tiếng gió thổi, nghe sao lạ lẫm, lúc trầm, khi bổng khiến người ta tò mò, thích thú…
Khi tận mắt chứng kiến, ai cũng phải ngỡ ngàng. Âm thanh đó phát ra từ một khúc gỗ dài tới 2,5m mà người làm chủ cuộc chơi là một chàng trai còn khá trẻ, anh Huỳnh Tấn Vũ (32 tuổi). Vũ là tay chơi được loại nhạc cụ này chưa lâu nhưng anh đã thể hiện được thiên bẩm về nghệ thuật của mình bằng những giai điệu phát ra từ khúc gỗ dài thòng với kỹ thuật điêu luyện khiến người nghe tán dương, thán phục.
Thật ra, khúc gỗ dài bằng nửa bề ngang căn nhà ấy chính là một cây sáo truyền thống của người dân Úc, nó có tên gọi là didgeridoo. Nhạc cụ này được cho là có nguồn gốc từ các bộ lạc thổ dân Yolngu ở vùng Tây Bắc của Arnhem (Bắc Úc), xuất hiện đã cách đây hàng nghìn năm. Nó gắn liền với đời sống sinh hoạt, tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng bộ tộc địa phương, điều này thể hiện rõ nhất trong nội dung chơi của sáo digeridoo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Việt Nam, chưa thấy có người nào chơi sáo didgeridoo chuyên nghiệp, nổi tiếng, trước khi có sự xuất hiện của Huỳnh Tấn Vũ. Vũ cũng là người đầu tiên đưa tiếng sáo digeridoo của thổ dân Úc xa xôi đến với đông đảo công chúng Việt Nam khi anh tham gia biểu diễn tại chương trình Người bí ẩn (HTV), Game show Song đấu (VTV) và giao lưu với các nghệ sỹ chơi digeridoo nổi tiếng đến từ đất nước của loài chuột túi…
Về nguyên thủy, sáo digeridoo được những thổ dân yêu nghệ thuật và lắm tài hoa vùng Tây Bắc nước Úc sáng tạo ra từ gỗ cây bạch đàn bị mối đục rỗng ruột một cách tự nhiên. Họ đã khéo léo sử dụng đôi môi, lưỡi, ép không khí thổi vào cây sáo để tạo ra âm thanh theo sở thích của mình, nhất là mô phỏng theo các âm thanh ngoài tự nhiên, gắn liền với đời sống hoang dã thổ dân.
Anh Huỳnh Tấn Vũ là người mê âm nhạc, anh cũng là người chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Sẵn có niềm đam mê và năng khiếu bẩm sinh nên trong một lần tình cờ xem được clip trên mạng vào năm 2009, thấy một nhóm người Úc dùng cây gỗ vắt ngang bên cạnh đường đi, thổi ra những âm thanh rất lạ cuốn hút nhiều người xem đã khiến chàng trai này tò mò.
“Âm thanh khi nghe như tiếng nước chảy, lúc như tiếng gió thổi, khi lại như thú rừng hú, chim gù… Thưởng thức những âm thanh này, tôi thấy nó lạ và cuốn hút, mà đặc biệt ở Việt Nam chưa có âm cụ nào tạo ra âm thanh đa dạng giống như thế!..”- Huỳnh Tấn Vũ kể.
Anh Vũ tìm hiểu thì mới biết đó là sáo digeridoo, hiện được chơi phổ biến trên toàn nước Úc và nhiều nước trên thế giới. Vũ liên hệ với các điểm chuyên cung cấp nhạc cụ tại TP Hồ Chí Minh để hỏi mua nhưng tất cả đều không có loại sáo này, cũng chẳng ai biết didgeridoo là loại nhạc cụ gì.
Sau nhiều ngày rong ruổi khắp các cửa hàng sản xuất, buôn bán đàn sáo, âm cụ ở TP Hồ Chí Minh vẫn không tìm được sáo didgeridoo. Mê loại âm thanh này nhưng không tìm mua được sáo didgeridoo, Huỳnh Tấn Vũ lại bắt xe khách ngược về phố núi Đà Lạt đưa chiếc xe gắn máy ra cửa hàng xe cũ bán được hơn 10 triệu đồng làm lộ phí ngược ra Hà Nội.
Lại những ngày lang thang ở Thủ đô, Vũ tìm tới tất cả những cửa hiệu nhạc cụ lớn nhỏ, hỏi thăm bất cứ người nào đam mê, biết chơi và sưu tầm sáo về nhạc cụ didgeridoo nhưng tuyệt nhiên không ai biết. Trong lúc Huỳnh Tấn Vũ đã phải nghĩ tới việc quay trở về Đà Lạt, kết thúc hành trình đi tìm sáo digeridoo đầy thất bại để tìm cách liên hệ, nhờ ai đó ở Úc mua loại sáo này thì điều may mắn đến với anh.
Ông chủ một cửa hàng nhạc cụ trên phố Hàng Mành, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là người nhớ mang máng bạn mình là một nghệ sĩ xiếc có “khúc gỗ phát ra âm thanh” giống như hình ảnh mà anh Vũ đưa cho xem nhưng từ lâu đã bị bỏ vào kho vì chủ nhân chơi không được.
Khi đã mắt thấy, tay sờ vào cây sáo didgeridoo, Huỳnh Tấn Vũ mới hết hồi hộp, chuyển sang mừng rỡ. Biết được hành trình đi tìm mua cây sáo didgeridoo của Vũ đầy vất vả, chủ nhân đã vui vẻ để lại nhạc cụ độc lạ này cho anh với giá rất “hữu nghị”.
Có sáo didgeridoo trong tay nhưng Huỳnh Tấn Vũ không biết thổi trong khi chủ nhân trước của cây sáo này cũng chỉ bì bõm được vài giai điệu, lấy thầy ở đâu để theo học bây giờ!…
“Mặc kệ, bì bõm được vài giai điệu vẫn hơn người không biết gì. Vậy là tôi quyết định ở lại Hà Nội đi làm thuê, tranh thủ những lúc rảnh rỗi lại chạy đến nhờ người bán sáo cho anh Vũ chỉ dạy và lên mạng học thêm về cách làm chủ âm điệu của sáo didgeridoo” – anh Vũ kể lại.
Giữa Thủ đô, chàng trai Đà Lạt kiếm sống và học thổi sáo didgeridoo bằng cách hằng ngày đẩy xe đạp đi bán cà phê dạo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Sáo didgeridoo được làm từ một khúc gỗ bạch đàn rỗng ruột khá lớn, bình thường để thổi phát ra âm thanh đã là điều không đơn giản, thổi đúng giai điệu, có bài có bản lại càng khó khăn hơn. Công việc học thổi cũng khó khăn chẳng kém giai đoạn Huỳnh Tấn Vũ đi tìm mua sáo didgeridoo.
“Có những ngày học thổi, tôi lấy hơi đau cả bụng mà vẫn không thổi nên hồn gì. Những người xung quanh thì tò mò vì lúc nào cũng thấy tôi chúc khúc gỗ to kềnh vào mặt, phồng miệng, căng má ra thổi, âm thanh phát ra thì lúc được, lúc mất, chẳng bài bản gì cả!..” – anh Vũ cho biết.
Bây giờ, Huỳnh Tấn Vũ đã trở thành người chơi sáo didgeridoo đẳng cấp, có tiếng tại Việt Nam, anh cũng đã từng được mời biểu diễn sáo digeridoo cho một sự kiện được tổ chức ở Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.
Theo chàng trai này, người chơi sáo didgeridoo phải cùng lúc thực hiện nhuần nhuyễn bốn thao tác để thổi ra âm thanh chính xác. Bao gồm, rung hai môi để tạo ra âm rung đẩy vào cây sáo và khuếch đại âm thanh được mô phỏng qua cây sáo.
Bước thứ hai là phải đánh lưỡi lên và xuống, qua lại hai bên để tạo ra các nhịp điệu. Bước thứ ba là dùng xướng âm để mô phỏng theo tiếng kêu của một số động vật và âm thanh khác. “Chẳng hạn như tiếng của con chim kookaburra (cúc-ca-ba-ra) hay chó dingo, một loại chó hoang đặc biệt chỉ có ở Úc”-anh Vũ chia sẻ.
Và phần khó nhất là dùng hơi giữ lại trong má, càng nhiều càng tốt để vừa thổi ra mà đồng thời vừa hít hơi vào bằng mũi để âm thanh phát ra không bị đứt quãng, mất hơi. Digeridoo được xếp vào loại khí cụ, vì tiếng nhạc được tạo thành qua âm thổi của người sử dụng.
Để phát ra tiếng và nốt nhạc khác nhau, người thổi phải biết dùng hình dáng khác nhau của miệng và phương pháp thở gọi là thở xoay vòng, tức là hít không khí qua lỗ mũi và thổi ra từ miệng cùng một lúc và liên tục.
Khi đã làm chủ được cây sáo didgeridoo ngay trên đất Hà Nội, Huỳnh Tấn Vũ tìm đến Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam xin được giới thiệu về cây didgeridoo và âm thanh độc lạ của loại sáo này.
Ngay lần biểu diễn đầu tiên, Ban Giám đốc của Trung tâm này đã bị mê hoặc bởi âm thanh phong phú, đa dạng của sáo didgeridoo. Giám đốc của Trung tâm đã chấp nhận cho Huỳnh Tấn Vũ ở lại để được học thêm các loại nhạc cụ và phụ việc ở Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam.
Cũng từ đây, Huỳnh Tấn Vũ thường xuyên được Trung tâm giới thiệu đi biểu diễn sáo didgeridoo ở một số sân khấu nhỏ tại Hà Nội, phần để giới thiệu, đưa giai điệu của sáo digeridoo đến với công chúng Hà Nội và cũng là để Vũ có thêm thu nhập. Trong thời gian ở tại Trung tâm này, Huỳnh Tấn Vũ đã học chơi được nhiều loại nhạc cụ, như đàn T’rưng, đàn nhị, trống cơm, trống sắt…
Huỳnh Tấn Vũ cũng đã tự tay mình làm được những sáo didgeridoo bằng gỗ bạch đàn. Đến nay anh đã làm được 3 cây sáo didgeridoo, cây dài nhất lên tới 2,5m. Sự dài ngắn của sáo didgeridoo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và giai điệu của âm thanh khi phát ra. Tùy vào nội dung mà người chơi có thể sử dụng loại sáo dài hay ngắn.
Bây giờ, Huỳnh Tấn Vũ còn sáng tạo âm nhạc bằng cách kết hợp tiếng sáo didgeridoo với âm thanh của nhạc cụ trống sắt của Thụy Sĩ do vợ anh chơi để hỗ trợ, bổ sung âm thanh cho nhau.
Trở về Đà Lạt, không còn điều kiện để biểu diễn ở những sự kiện lớn, hằng ngày anh Huỳnh Tấn Vũ chơi sáo didgeridoo ở các khu du lịch, chợ đêm Đà Lạt và các chương trình âm nhạc do các đơn vị tổ chức. Anh lặng lẽ biểu diễn, lặng lẽ đưa âm thanh sáo digeridoo của thổ dân Úc xa xôi đến với cộng đồng. Nơi nào có Vũ biểu diễn sáo didgeridoo, chỗ đó có đông người dừng lại lắng nghe, dù âm thanh của sáo didgeridoo vẫn còn nhiều xa lạ đối với người Việt Nam.
Kim Ngân (Báo CAND, 21/9/2017)