Một khu đất rộng trên 25 ha được qui hoạch thành khu xử lý chất thải nhưng nay thành phố Bảo Lộc đã phải đề xuất thêm một khu đất rộng 7,7 ha nữa để làm bãi rác dự phòng, vì sao?
Khi nhà máy xử lý rác hoạt động cầm chừng
Có thể nói rằng một trong những nguyên do chính làm cho Bảo Lộc dồn ứ rác thải sinh hoạt lại trong thời gian vừa qua chính là sự hoạt động cầm chừng, nếu không nói là rất yếu kém theo kiểu… nghiệp dư của một nhà máy xử lý chất thải vào hàng chuyên nghiệp ở đây.
Đó chính là nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường xanh Cao nguyên Đà Lạt, gần đây đổi tên thành Công ty Cổ phần Môi trường xanh Friendly tại Thôn 2, xã Đại Lào. Được cấp chứng nhận đầu tư từ cuối năm 2013, xây dựng và đưa vào sử dụng trong cuối tháng 2/2017 trên một diện tích đất trên 12 ha (đợt đầu trên 6,4 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đợt 2 trên 5,8 ha, có quyết định cho thuê đất của tỉnh). Nhà máy này được xây dựng tại khu quy hoạch xử lý chất thải rắn của thành phố Bảo Lộc với tổng diện tích đất quy hoạch trên 25,89 ha.
Về mặt lý thuyết mà nói, nhà máy này, theo ngành chức năng Lâm Đồng, với công suất xử lý rác thải 200 tấn/ngày (gồm 2 lò đốt, 1 lò có công suất 100 tấn/ngày và 1 lò còn lại có công suất 144 tấn/ngày), năng lực xử lý thực tế từ 80-100 tấn/ngày nên đáp ứng khá tốt việc xử lý số rác thải sinh hoạt thu gom hằng ngày trên địa bàn Bảo Lộc vốn cũng chỉ từ 80-100 tấn/ngày.
Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước đã đầu tư tuyến giao thông đến tận chân hàng rào dự án. Quy mô dự án nơi đây rộng đến gần 26 ha nên quỹ đất còn nhiều cho nhà đầu tư. Việc thu gom, chuyển rác thải trong thành phố đến đây do Công ty Công trình đô thị Bảo Lộc đảm trách. Căn cứ theo đơn giá xử lý chất thải rắn của tỉnh, mỗi tấn rác thải sinh hoạt xử lý nơi đây được trả 442 nghìn đồng, tuy nhiên đơn giá này chỉ được thanh toán đối với khối lượng rác được đốt, còn khối lượng rác tách lọc trước khi đốt không được tính vào.
Phải nói rằng, nhà máy xử lý rác ra đời đã đáp ứng sự mong chờ rất lớn của Bảo Lộc trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn thành phố này sạch đẹp. Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng đó, không lâu sau khi đưa vào sử dụng, nhà máy này đã bộc lộ rõ sự yếu kém của nó.
Theo đánh giá của UBND thành phố Bảo Lộc, trong thời gian đầu, nhà máy hoạt động tương đối tốt, cơ bản xử lý triệt để lượng rác đưa vào nhà máy hằng ngày, tuy nhiên sau đó nhà máy này liên tục gặp sự cố. Không chỉ về máy móc và rất nhiều hạng mục về bảo vệ môi trường cũng đầu tư không kịp thời theo cam kết, từ đó đến nay liên tục ngưng hoạt động trong nhiều đợt để sửa chữa máy móc và đầu tư thêm các hạng mục.
Một báo cáo của UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, đến giữa tháng 2/2020, nhà máy này chỉ có lò đốt số 2 hoạt động nhưng công suất đốt hết sức hạn chế, chỉ 30 tấn/ngày. Điều này có nghĩa lượng rác phát sinh hằng ngày của thành phố này không được xử lý hết, chưa nói đến rác cũ tồn đọng. Thế là nhà máy xoay xở bằng cách… không tiếp nhận rác mới, chủ yếu chỉ xử lý số rác tồn đọng cũ trong kho chứa lâu nay.
Những hậu quả
Hậu quả trước nhất mà thành phố Bảo Lộc gánh lấy là có những thời điểm rác ứ đọng, tràn ra đường vì không biết phải chuyển đi đâu. Rác tồn ở phố bốc mùi, gây mất mỹ quan đô thị, mọi bức xúc đổ dồn về Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Bảo Lộc – đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác thải. Nhưng đơn vị này cực kỳ lúng túng vì khi thu gom, vận chuyển về nhà máy nhưng nhà máy xử lý rác lại đóng cửa, không nhận rác!
Thống kê cho biết trong 11 tháng năm 2019, nhà máy này chỉ có khoảng 4 tháng gọi là “đủ điều kiện” nhận rác thải về xử lý, nhưng cũng không liên tục. Còn 2 tháng đầu năm 2019, đơn vị thu gom phải vận chuyển về bãi rác Gung Ré – Di Linh “đổ ké” với tổng cộng khoảng 4.800 tấn rác “an vị” nơi đây, mặc dù bãi rác Gung Ré đã có chủ trương đóng cửa, hiện đang trong giai đoạn thẩm định dự án. Với 5 tháng còn lại, đơn vị thu gom đã vận chuyển trái phép khoảng 12 nghìn tấn rác thải sinh hoạt về đổ tại Tổ 15, phường Lộc Phát, giáp khu vực dự án Bô xít Nhôm.
Trong tháng 12/2019, Bảo Lộc đã nỗ lực tìm một điểm tập kết rác thải khi nhà máy xử lý rác bị hỏng không nhận rác. UBND thành phố này cho biết đã đào một hố lưu giữ rác trong phần đất còn lại của 25,89 ha đất đã qui hoạch, nằm khá gần nhà máy để khi nhà máy hoạt động trở lại sẽ thu hồi đưa vào xử lý. Tuy nhiên, khi đưa rác vào vị trí lưu giữ này người dân nơi đây đã ngăn chặn không cho xe chở rác vào.
Lý do: trong quá trình hoạt động, chính việc nhà máy xử lý rác luôn gặp sự cố phải ngừng hoạt động nên lượng rác tồn đọng trong nhà máy bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường. Qua các buổi đối thoại, quản lý nhà máy này buộc phải cam kết với người dân không đưa rác chưa xử lý đổ vào bất kỳ vị trí nào tại khu đất qui hoạch còn lại, chính vì vậy cộng đồng dân cư nơi đây ra tay ngăn không cho xe rác vào.
Có cần thêm một bãi rác dự phòng?
Do không đưa được rác chưa xử lý vào lưu giữ tại khu vực đã quy hoạch nên trong đầu năm nay, Bảo Lộc đã đề nghị tỉnh cho phép thành phố này lập một bãi rác tại Tiểu khu 272 cũng tại Thôn 2, xã Đại Lào cho việc lưu giữ rác dự phòng.
Bãi rác dự phòng này rộng 7,76 ha, nằm trong vùng thượng lưu của suối Đại Lào với chủ yếu là rừng le, đảm bảo “không gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt của thành phố”.
Việc xây một bãi rác dự phòng là một việc làm cấp thiết trong tình hình lúng túng “như gà mắc tóc” về bãi chứa rác hiện nay tại Bảo Lộc. Tuy nhiên, cũng cần thử xem lại rằng việc đổ tiền vào xây dựng thêm một bãi rác dự phòng này có là điều cần thiết hay không khi mà phần diện tích đất quy hoạch tại khu xử lý rác thải thành phố vẫn còn rất rộng. Cụ thể, nếu diện tích đất đã giao cho nhà máy xử lý rác thải đến nay trên 12,2 ha thì phần đất còn lại bên trong vẫn còn đủ để làm bãi chứa rác thải dự phòng để sau này đưa vào nhà máy xử lý cho gần. Vấn đề là thành phố này thực hiện công tác dân vận ra sao mà thôi!
Và cuối cùng, chúng tôi muốn đề cập đến nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Friendly này. Theo đánh giá của UBND thành phố Bảo Lộc, chủ đầu tư của nhà máy đã không tiến hành đầu tư đồng bộ, nhất là các hạng mục về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm trong khu vực nên làm người dân bức xúc. Cùng đó, vật liệu sử dụng cho lò đốt nhà máy này không phù hợp công nghệ đốt (theo thiết kế 1200 độ C nhưng chỉ 800 độ C đã hỏng); hệ thống tách lọc cũ lạc hậu, không đảm bảo cho việc tách lọc, gây áp lực cao cho lò đốt rác, lò đốt xây dựng không đảm bảo công suất thiết kế. Và điều đáng lưu tâm nhất, chủ đầu tư không có chuyên môn về xử lý rác, phải hợp đồng với một đơn vị khác phụ trách nhà máy, việc điều hành nhà máy còn rất nhiều bất ổn.
Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong 26 hạng mục được xây dựng của nhà máy, chỉ mới có 13 hạng mục trong số này được cấp phép xây dựng và đều chưa thực hiện công tác nghiệm thu chất lượng công trình theo quy định. Ngay cả công nghệ đốt nơi đây chủ đầu tư đến nay vẫn chưa đề xuất việc nghiệm thu công nghệ theo đề án được duyệt.
Trước sức ép về việc xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày, trong một cuộc làm việc gần đây với UBND Bảo Lộc, Công ty Cổ phần Môi trường xanh Friendly cho biết đã hợp đồng với 1 đơn vị sửa chữa lò đốt từ ngày 13/2 và cam kết trong vòng 15 ngày, nghĩa là đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020 sẽ hoạt động và nhận rác trở lại.
Nhưng vấn đề ở đây là liệu có đủ sức tin tưởng mãi vào một nhà máy xử lý rác mà nay chạy mai nghỉ vì hỏng hóc hay không khi mà lượng rác thải phát sinh hằng ngày của thành phố này phải cần được xử lý? Với tình trạng bất ổn này liệu tỉnh có nên mua lại dự án hay không, liệu có thể mời gọi nhà đầu tư khác đến để có một công nghệ khác tốt hơn, một giải pháp xử lý tốt hơn hay không cho môi trường Bảo Lộc hay là chỉ mãi ngồi chờ khắc phục và trông vào lời hứa của một nhà đầu tư vốn đã không còn uy tín từ lâu rồi?
Viết Trọng (Báo Lâm Đồng, 04/03/2020)