Nhiều năm nay, đến hẹn lại lên, cứ có vài trận mưa, khu dân cư Láng Sáu Xoóng (thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng) lại chìm trong biển nước. Tình cảnh trên đang khiến người dân nơi đây “dở khóc, dở cười”…
Những tình huống “cười ra nước mắt”
Theo chân ông Nguyễn Xuân Hải – cán bộ khu dân cư, chúng tôi lội nước tìm đến nhà những nhà dân ở khu dân cư Loáng Sáu Xoóng. Để vào được nhà anh Vày Quay Phùng, chúng tôi phải bỏ giày, xắn quần lên tận trên đầu gối. Đoạn đường vào nhà chỉ chừng hơn 500 m, nhưng chúng tôi phải mò mẫm mất hơn 15 phút đồng hồ mới vào được nhà. Vào tới nơi, anh Phùng cười xòa nói: “2 năm trở lại đây nhờ đổ đường lên cao nên mới dễ đi đó, chứ năm 2014 trở về trước, để ra tới đầu ngõ, chúng tôi phải chèo xuồng, vì đi bộ thì không thể đi được mà đi xe thì càng không nổi vì nước ngập cao hơn yên xe thì làm sao mà chạy!”.
Chỉ vào trong nhà, anh Phùng cho biết thêm, mấy ngày nay do mưa nhiều, ngập từ ngoài sân cho tới phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ… không chỗ nào là không có nước.
Mà không chỉ mấy hôm nay, từ 6, 7 năm nay, tình trạng trên cứ lặp đi lặp lại, từ khoảng tháng 10 đến tháng 11 hàng năm. “Nhiều khi đang ngủ, thấy phía dưới ướt ướt, giật mình sực tỉnh, hóa ra nước đã vào nhà, dâng lên ngập nệm rồi” – giọng anh Phùng chùng xuống cho biết.
Chuyện ở đã khổ, chuyện đi lại cũng khó khăn không kém, nhất là gia đình anh có con nhỏ, đang tuổi đến trường. Ngày nào anh hoặc vợ cũng phải thay nhau chở mấy đứa nhỏ tới trường nhưng hiếm có ngày nào không bị trượt té khi ra vào con đường này.
Từ năm 2012, trên diện tích hơn 5 sào đất quanh nhà, anh dựng lên 11 nhà nấm. Vậy mà chỉ sau 3 năm, do úng ngập, 11 nhà nấm đã bị mục nát, gãy đổ, 1 nhà nấm còn lại năm rồi cũng không chống chọi nổi, cũng chỉ còn chơ vơ “bộ khung”. Thiệt hại vì thế cũng lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thêm vào đó, 2 sào ao anh đào vừa thả cá được ít ngày chưa kịp thu hoạch thì nước ngập, cá theo đó cũng trôi theo, thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Cùng chung nỗi niềm là ông Phùng Văn Chức. Ông có hơn 6 sào đất cũng nằm ngâm trong nước, chẳng canh tác được gì. “Trước khi bị ngập, mỗi năm, gia đình tôi canh tác được 5-6 vụ. Từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm chỉ canh tác được 1-2 vụ vào mùa khô, thiệt hại 500-600 triệu đồng mỗi năm. Không có đất canh tác, vợ chồng, con cái phải đi làm thuê làm mướn để sinh sống” – ông Chức cám cảnh nói.
Ghé thăm nhà gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng, anh Hoàng cho biết, nước trong nhà anh vừa rút, chỉ còn ngập xung quanh. “Nhà báo thông cảm, nhà hơi bừa bộn vì tất cả mọi đồ vật trong nhà phải kê lên mấy lớp ván, lớp gạch nếu không thì mục nát hết. Giường ngủ nhà tôi cũng vậy, phải kê lên 4 viên gạch, giường mới không bị chìm trong nước. Nhiều khi đi ngủ phải mang ủng mới leo lên được giường” – anh Hoàng ngậm ngùi.
Nhà anh Hoàng cũng có 2 sào đất, trước cũng gieo được 5-6 vụ, giờ thì ăn tết xong, trồng được một vụ thì lại bị ngập tiếp cho đến sang năm. “Vì không có đất trồng rau, vợ chồng tôi cũng phải đi làm thuê, làm mướn như nhiều hộ dân nơi đây. Tôi thì đi phụ làm ở gara xe, vợ tôi thì đi cắt mác mác kiếm từng đồng qua ngày” – anh Hoàng cho biết thêm.
Cần sớm có giải pháp khắc phục
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, hiện trong khu dân cư Láng Sáu Xoóng có khoảng 30 hộ dân với gần 100 ha đất đang bị ngập úng khi mùa mưa tới. Tình trạng này đã kéo dài từ năm 2010 trở lại đây, khi hồ Nam Sơn được nạo vét, mực nước hồ luôn cao hơn đất của dân, dẫn đến tình trạng khi mưa xuống, nước ngập nhà cửa, đất đai của các hộ dân mà không thể nào thoát ra được.
“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên; rồi nêu ý kiến tại các buổi tiếp xúc cử tri thị trấn, huyện và cả cấp tỉnh để sớm có biện pháp giải quyết cho người dân chúng tôi yên tâm làm ăn, sinh sống nhưng chưa có biện pháp giải quyết nào khả thi, khiến tình trạng ngập úng cứ kéo dài hết năm này sang năm khác cho đến tận bây giờ” – ông Hải bức xúc nói.
Ông Hải cũng cho biết thêm, từ ngày 10/12 đến nay, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đức Trọng cũng có phương án bơm nước từ khu ngập úng của người dân ra hồ Nam Sơn: “Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, chúng tôi cần một giải pháp lâu dài nhằm giải quyết tình trạng này, để người dân chúng tôi không còn phải sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ khi mùa mưa tới” – ông Hải nói.
Và trong khi chờ đợi những giải pháp cụ thể mà các ngành chức năng đưa ra, người dân nơi đây vẫn đang hàng ngày phải sống trong cảnh lầy lội, ngập úng và canh cánh nỗi lo khi mà năm nay, thời tiết thất thường, mưa lũ vẫn chưa thật sự đi qua!
Nói về tình trạng này, mới đây, tại buổi trả lời chất vấn (kỳ họp thứ III, HĐND huyện Đức Trọng), Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng Dương Kim Mảng cho biết, sau khi có chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và đại diện Chi Cục Thủy lợi Lâm Đồng tiến hành khảo sát hiện trường ngập úng; khảo sát các hướng thoát nước chống úng và đã đưa ra giải pháp tình huống. Cụ thể, bơm nước chống úng bằng cách hiện đang triển khai 1 máy bơm với công suất 250 m3/giờ. Trong những ngày tiếp theo cho chạy thêm 1 máy với công suất tương đương và có thể thêm máy thứ 3. Sau khi bơm 2-3 máy sẽ có giải pháp cụ thể.
THY VŨ (Báo Lâm Đồng, 19/12/2016)