Sáng 26/6, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết: Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đóng trên địa bàn toàn tỉnh kể từ ngày 28/6.
Đây là một biện pháp nhằm sớm phát hiện các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, ngăn chặn nguồn lây vào Lâm Đồng qua đường bộ thông qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Hiện nay, đã có các chốt đang triển khai xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 là: Chốt số 1 Đạ Huoai, chốt số 2 Đơn Dương. Yêu cầu tất cả các trường hợp lái xe vào Lâm Đồng từ các tỉnh, thành phố có dịch (kể cả lái xe ô tô cá nhân) phải có xét nghiệm SARS-CoV-2.
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 15 chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19 đặt tại cửa ngõ ra vào tỉnh trên địa bàn các huyện: Đạ Huoai (2 chốt), Cát Tiên (4 chốt), Di Linh (2 chốt), Bảo Lâm (2 chốt) và Đơn Dương, Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng, Đạ Tẻh (mỗi huyện 1 chốt)
Trước đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Lạc Dương, Đam Rông, Đức Trọng tiếp nhận và đưa vào sử dụng thiết bị hỗ trợ quét mã QR tại các chốt kiểm soát dịch. Viettel Lâm Đồng đã hỗ trợ cho ngành y tế Lâm Đồng 15 máy điện thoại di động thông minh kèm theo 15 sim di động 4G phục vụ kiểm tra và khai báo y tế điện tử (QR Code) tại các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Hiện, Lâm Đồng tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản của Tổng cục đường bộ Việt Nam và Bộ Y tế vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Trong đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch (đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày…). Tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về). Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.
Còn theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các phương tiện phải được phun khử khuẩn, đảm bảo an toàn trước, trong và sau khi vận chuyển. Tài xế, người bốc xếp hàng hóa theo xe phải cài đặt các phần mềm như: NCOVI, Bluezone, tokhaiyte.vn trên điện thoại và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế. Đối với hàng hóa xuất xứ từ các địa phương có dịch trước khi xuất đi phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án vận chuyển hàng hóa cụ thể, bao gồm: Số lượng phương tiện, hành trình, dự kiến điểm dừng nghỉ, ngày giờ phương tiện hoạt động; danh sách phương tiện, tài xế, người bốc xếp dỡ hàng hóa theo xe; các điểm/khu vực bốc xếp dỡ hàng hóa; thông tin về xét nghiệm và tiêm phòng cho tài xế, người bốc xếp dỡ hàng hóa…
Đơn vị kinh doanh vận tải phải căn cứ vào hệ thống thiết bị giám sát hành trình, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hành trình của phương tiện và người điều khiển theo quy định để thông báo cho cơ quan chức năng hoặc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương khi cần thiết.
An Nhiên (Báo Lâm Đồng, 26/06/2021)