Các đối tượng lừa đảo có thể dùng nền tảng trí tuệ AI giả giọng nói người thân nạn nhân vay tiền, dựng lên các tình huống khẩn cấp để lừa đảo với thủ đoạn rất tinh vi. Đây là một trong nhiều chiêu trò lừa đảo mới của hoạt động tội phạm trên không gian mạng thời gian qua.
Trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp tuyên truyền để người dân, cộng đồng chủ động nhận diện các phương thức, từng bước nâng cao cảnh giác và chủ động phòng tránh.
Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI (artificial intelligence) giúp ích được rất nhiều trong đời sống với những ưu thế vượt trội so với các ứng dụng công nghệ thời gian trước. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ AI là việc những kẻ xấu đã triệt để lợi dụng để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói với mục đích chiếm đoạt tài sản của người sử dụng các ứng dụng mạng xã hội.
Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Bước đầu tiên, các đối tượng thường chiếm đoạt tài khoản trên mạng xã hội facebook, instagram, zalo… rồi nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch… để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân, gia đình của tài khoản bị hack cho đến gọi điện trực tiếp cho bị hại để dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền… Đã có rất nhiều vụ việc tương tự trên thế giới và hiện ở Việt Nam cũng đã xuất hiện thời gian qua.
Điểm chung của những thủ đoạn trên đó là tạo ra những tình huống khẩn cấp như người thân bị tai nạn cần tiền gấp để cấp cứu, người thân phạm tội bị cơ quan chính quyền bắt đang cần tiền để giải quyết hay đang khó khăn trong công việc cần một khoản tiền để giải quyết nhanh rồi sẽ trả lại sau,… Đặc điểm những cuộc gọi như vậy thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng mặc dù vẫn mang những nét tương đồng của người đó hoặc giọng nói của người đó và cách xưng hô quen thuộc (do đã được nghiên cứu từ trước bằng công nghệ AI)
Cũng liên quan tới tội phạm trên không gian mạng, mới đây, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đã liệt kê ra 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, qua đó giúp người dùng nhận biết để phòng tránh tốt hơn. Trong đó, nhóm 1 thường giả mạo thương hiệu của các tổ chức (ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán…) để gửi tin nhắn lừa đảo cho nạn nhân.
Nhóm 2 là chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền… Các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn, mạng xã hội.
Nhóm 3 là các hình thức kết hợp như sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản. Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết…
Theo thống kê từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022, đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Mục tiêu cuối cùng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp, đánh vào lòng tham mỗi con người.
Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, cũng như các địa phương trong cả nước, hoạt động lừa đảo bằng các thủ đoạn mới trên không gian mạng vẫn còn hết sức phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là đối với trường hợp người dân vùng sâu, vùng xa hay nhẹ dạ cả tin, thiếu tiếp cận thông tin.
Hiện nay, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh đang tích cực phối hợp với công an các huyện, thành phố tăng cường tổ chức tuyên truyền thủ đoạn hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cho các thành phần là người dân, học sinh, cán bộ tổ dân phố… Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm tới nay, các đơn vị, địa phương đã phối hợp tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng cho hơn 4.000 trường hợp.
Trước đó, ngày 9/2, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược an toàn, an ninh mạng Quốc gia, chủ động ứng phó với thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu của kế hoạch phấn đấu 80% người sử dụng internet trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó là việc xây dựng được thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng với sự tham gia đông đảo, tích cực từ quần chúng Nhân dân.
C.Phong (Báo Lâm Đồng)