Sau mùa mưa lũ 2023, theo thống kê của ngành Nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh còn 57 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, chưa được thi công nâng cấp, sửa chữa, chưa được bố trí với số vốn dự kiến 500 tỷ đồng.

Hồ Ka La (Di Linh) là 1 trong 13 hồ lớn xuống cấp nhưng chưa có kinh phí sửa chữa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thống kê trên địa bàn tỉnh cuối tháng 11/2023 có 444 công trình thủy lợi, trong đó có 230 hồ chứa; 79 đập dâng, 13 cống dâng; 19 trạm bơm; 91 đập tạm; 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.300 km kênh mương (đã kiên cố hóa được khoảng 910 km, đạt tỷ lệ 70%) chủ động cấp nước tưới cho khoảng 50.004 ha đất canh tác. Trong số 230 hồ chứa gồm 35 hồ chứa loại lớn, 62 hồ chứa loại vừa, 133 hồ chứa loại nhỏ. Đối với đập dâng có 1 đập dâng loại lớn, 78 đập dâng loại nhỏ. 

Đối với cống dâng gồm 2 cống dâng loại lớn, 1 cống dâng loại vừa, 10 cống dâng loại nhỏ. Riêng với trạm bơm thì tất cả 19 trạm bơm đều thuộc loại nhỏ. Về dung tích hồ chứa thì có 7 hồ chứa trên 10 triệu m3; 7 hồ chứa có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3; 45 hồ dung tích từ 0,5 tới 3 triệu m3; 76 hồ chứa có dung tích 0,05 tới 0,5 triệu m3 và số còn lại dưới 50.000 m3

Ông Nguyễn Hà Lộc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiện nay đã kết thúc mùa mưa và bắt đầu vào mùa khô, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh sau mùa mưa bão về cơ bản đã tích trữ nước trong hồ đạt tỷ lệ cao. 

Qua rà soát hiện trạng, xác định được về cơ bản các công trình thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn do thường xuyên được các đơn vị quản lý vận hành kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, số lượng các công trình bị hư hỏng xuống cấp chiếm tỷ lệ không cao. Cụ thể qua báo cáo của các đơn vị quản lý, vận hành công trình xác định được thì hiện tại trên địa bàn tỉnh số công trình hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau đến thời điểm hiện tại chưa được thi công nâng cấp, sửa chữa, chưa được bố trí vốn là 57 công trình, trong đó có 13 công trình hồ, đập quy mô lớn. 

Ngoài ra, có 18 công trình khác bị hư hỏng, xuống cấp đã được bố trí kinh phí hoặc đang thi công nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, công trình thủy lợi trên địa bàn chủ yếu là hồ chứa dung tích nhỏ đã xuống cấp, lòng hồ thường bồi lắng nên trên thực tế hằng năm chưa đảm bảo năng lực tưới tiêu theo thiết kế. Trong khi nhu cầu phát triển sản xuất trong Nhân dân là rất lớn thì nguồn nước tưới là quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. 

Một số hồ chứa, đập thuỷ lợi lớn xuống cấp, hư hỏng nặng, như: Hồ đập Cam Ly Thượng (huyện Lâm Hà) với hiện trạng thấm qua mái, thân tràn và cống hư hỏng nặng, thấm qua mang hiện thuộc nguồn vốn Jica, đang lập dự án đầu tư. Các công trình thủy lợi lớn xuống cấp chưa có nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa, gồm: hồ Đạ Ròn (huyện Đơn Dương); hồ Phúc Thọ (Lâm Hà); hồ Nam Phương (TP Bảo Lộc); hồ Đăk Nông Thượng (Bảo Lâm); hồ Đạ Hàm (Đạ Tẻh);..

Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn hồ, đập, tính mạng và tài sản của người dân ở hạ lưu công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết đã có văn bản đề nghị Cục Thủy lợi tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp; hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Cụ thể là hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa đối với 57 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ cao mất an toàn, hiện nay chưa được bố trí kinh phí với tổng kinh phí đề xuất là là 500 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí để nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình, thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa là 98 tỷ đồng.

C.Phong (LĐ Online)

Nguồn: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202312/nhieu-cong-trinh-thuy-loi-xuong-cap-sau-mua-mua-lu-02723ed/